Những người thấy lạc lõng, cô đơn khi về hưu thường có 4 điểm chung này
Về lý thuyết, nghỉ hưu là một trong những giai đoạn tuyệt vời nhất của đời người. Bạn có thể sống vui vẻ, viên mãn, không âu lo sau khi đã trả hết nợ nần, làm việc chăm chỉ và có tài sản tích luỹ.Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng được như chúng ta mong muốn.
Với không ít người, không còn phải làm việc quần quật và đột ngột có quá nhiều thời gian rảnh rỗi sẽ gây phát sinh vấn đề. Ví dụ, họ có thể cảm thấy cô đơn khi về hưu.
Nhưng tin tốt là bạn có thể tránh được điều này. Dưới đây là các điểm chung ở những người cảm thấy cô đơn khi nghỉ hưu, hãy chú ý và tránh xa những điều này nhé.
1. Rút khỏi các hoạt động xã hội
Một trong những điểm tốt khi bạn có công việc là nó làm bạn phải hoạt động, phải bận rộn, phải năng nổ.
Sau những giờ làm việc hoặc vào cuối tuần, bạn có thể tham gia các câu lạc bộ hay gặp gỡ bạn bè.
Nhưng, khi bạn không còn đi làm và mọi lịch trình đều trống, bạn có thể bị cám dỗ ở nhà và không làm việc gì và rút khỏi mọi hoạt động mình từng yêu thích.
Khi mọi thứ dần trở nên trì trệ, bạn sẽ rơi vào sự cô độc và cảm thấy cô đơn.
Nghỉ hưu là một chương mới thú vị dành cho bạn. Hãy tận dụng sự tự do đó để theo đuổi những hoạt động, sở thích kích thích tâm trí, cơ thể, tâm hồn của bạn, thay vì để chúng dần héo úa.
Hãy sống trọn từng ngày.
2. Phụ thuộc quá nhiều vào gia đình
Sau khi nghỉ hưu, nhiều người lập tức dành hết cuộc sống cho gia đình để thoả mãn về mặt kết nối xã hội.
Nhưng vấn đề là các thành viên trong gia đình bạn cũng có cuộc sống, công việc và những bận rộn riêng. Họ không thể ở bên bạn mọi nơi mọi lúc.
Vì vậy, hãy tìm kiếm tình bạn, đừng chỉ phụ thuộc vào gia đình vì bạn có thể sẽ bị thất vọng.
Hãy lấp đầy lịch trình của bạn với các hoạt động mới, cơ hội mới.
Thôi làm việc không có nghĩa là thôi sống. Chẳng bao giờ là quá muộn để bạn tìm kiếm các mối quan hệ và gắn kết mới.
3. Chống đối công nghệ mới
Bạn còn sống thì còn không được ngừng phát triển. Ngày nay, sự phát triển có thể là chấp nhận thay đổi, cụ thể hơn là chấp nhận những công nghệ mới.
Có những người ở một độ tuổi nhất định gần như theo bản năng tránh xa mọi thứ mới mẻ, họ hài lòng với việc giữ nguyên hiện trạng vì “lâu nay họ vẫn làm theo cách này”.
Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, nơi mọi người đều kết nối với nhau, vì vậy, bất kể bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, có lẽ bạn cũng nên tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về công nghệ.
Công nghệ có thể là giải pháp tức thời cho người cô đơn. Thông qua các ứng dụng nhắn tin, gọi điện, mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò hay trò chơi điện tử, bạn có thể kết nối với bạn bè và gia đình kể cả khi ở bên kia bán cầu chỉ trong một mili giây.
Công nghệ có thể là cầu nối giúp rút ngắn khoảng cách giao tiếp. Bạn có thể kết nối những người bạn mới có chung trải nghiệm, chung sở thích. Hoặc ít nhất bạn có thể kết nối với những người thân quen đang sinh sống và làm việc ở nơi xa.
4. Độc thoại tiêu cực
Trong tâm lý học, có một thuật ngữ gọi là self-talk (độc thoại) được dùng để diễn tả cuộc đối thoại nội tâm của một người với chính mình.
Độc thoại có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Khi chúng ta rơi vào những cuộc độc thoại tiêu cực, các suy nghĩ về bản thân có thể làm chính chúng ta bị suy yếu và kích thích đủ loại cảm xúc tiêu cực.
Bạn mất đi sự sáng suốt. Bạn mất đi hy vọng.
Điều này đặc biệt đúng khi bạn đã nghỉ hưu, không còn công việc hay đồng nghiệp nào khiến bạn bận tâm.
(Theo Hack Spirit)
Hoàng Nguyên/ Theo Tạp Chí Gia Đình Mới.
https://giadinhmoi.vn/nhung-nguoi-thay-lac-long-co-don-khi-ve-huu-thuong-co-4-diem-chung-nay-d87678.html