Hạnh phúc ngọt ngào của cô giáo Tiểu học sau 7 năm kiên cường trên hành trình tìm con

Với sự kiên trì, nỗ lực cùng tình yêu thương của cả gia đình, hai vợ chồng cô giáo Tiểu học học Bùi Thị Giang (1988, tỉnh Ninh Bình) đã vượt qua những khó khăn, dị nghị để hái trái ngọt trên hành trình 7 năm tìm con yêu.
 Hạnh phúc ngọt ngào của cô giáo Tiểu học sau 7 năm kiên cường trên hành trình tìm con

Nhận kết quả “sét đánh” sau hơn một năm cưới

Tháng 6/2012, mối tình đẹp của cô giáo Bùi Thị Giang và chàng thủy thủ Trần Văn Thiên bước sang khởi đầu mới là một đám cưới hạnh phúc sau gần 3 năm yêu thương tìm hiểu. Vì tính chất công việc, anh Thiên hay phải đi làm xa nên đôi vợ chồng trẻ ngày ấy mong muốn sớm có con để chị Giang có thêm niềm vui, vơi bớt nỗi cô đơn phải xa chồng.

Mong ngóng là vậy nhưng sau nửa năm chưa thấy tin vui, tranh thủ những ngày anh Thiên được nghỉ phép, hai vợ chồng bắt đầu tìm đến những thang thuốc bắc thuốc nam, nhưng sau tất cả “tin vui” vẫn chưa về. “Tháng nào, ngày nào mình cứ mong đợi, mong chờ song rồi chậm vài ngày thì mình thử que nhưng mà không có. Thuốc Đông – Tây y đủ cả, rồi thuốc bổ này bổ kia loại gì mình cũng uống, đến nỗi uống nhiều quá rồi mình bị tăng men gan và phải đi điều trị ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương”, chị Giang chia sẻ.

Hạnh phúc mỉm cười khi vợ chồng cô giáo Giang đón con yêu đầu lòng.
Hạnh phúc mỉm cười khi vợ chồng cô giáo Giang đón con yêu đầu lòng.

Năm 2013 trong một lần xuống công ty dưới Hải Phòng anh Thiên được người bạn tư vấn và đi khám sức khỏe sinh sản. Kết quả khám lúc đó cho thấy anh Thiên bị vô sinh nam, bác sĩ cho biết nguyên nhân là có thể là do biến chứng của căn bệnh quai bị mà anh Thiên mắc phải khi còn nhỏ. Bàng hoàng trước kết quả thăm khám, chị Giang và anh Thiên quyết định khăn gói ra bệnh viện tuyến trung ương kiểm tra lại nhưng kết quả vẫn là câu nói “Hai vợ chồng không thể có con tự nhiên được, muốn có con bắt buộc phải thực hiện Hỗ trợ sinh sản IVF”.

“Hồi đấy mình cũng không hiểu rõ được bệnh tình của chồng, chỉ biết là bác sĩ bảo phải làm IVF nếu muốn có con, nhưng làm IVF thì hết cả trăm triệu. Số tiền đó quá lớn với gia đình. Lương giáo viên hợp đồng khi đó có 2 triệu/tháng, chồng mình cũng mới đi làm chưa có tiền. Vậy là hai vợ chồng động viên nhau tạm dừng việc chạy chữa để tập trung làm kinh tế. Chắt bóp từng đồng chỉ mong có đủ tiền để sau làm IVF tìm con”, chị Giang chia sẻ về quyết định phải tạm dừng lại hành trình tìm con ngày đó.

Tình yêu thương giúp đôi vợ chồng trẻ vượt qua những khó khăn

Năm 2015, sau 11 tháng chờ chồng đi tàu viễn dương trở về, vợ chồng chị Giang quay lại hành trình tìm con ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ. Nỗi mong mỏi con yêu đã quá lớn nên mặc dù thời điểm đó chưa có đủ điều kiện về kinh tế nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm vay mượn khắp nơi để bước vào quá trình thực hiện Hỗ trợ sinh sản IVF ở một bệnh viện do người quen giới thiệu.

Lần đầu tiên thực hiện IVF, ngỡ tưởng hạnh phúc đã đến rất gần nhưng sau 2 lần chuyển phôi không có kết quả chị Giang rơi vào trạng thái buồn tủi, lo lắng. Mỗi lần nhìn chiếc que thử thai hiện lên 1 vạch lòng chị lại quặn thắt nỗi đau, nước mắt luôn trực trào vì giấc mơ được làm mẹ vẫn chưa thể thành hiện thực. Không chỉ có chị Giang, nỗi khát khao mong chờ con yêu của anh Thiên nhiều đến nỗi sau những lần vợ chuyển phôi thất bại, anh Thiên đã tự viết nên những câu thơ vào trang nhật ký:

“Hạt cát của Bố! Lại chạy đi đâu rồi…?

Đang chơi đánh đu hả? Bám chặt vào không rơi.

Mồ hôi kiếm đồng tiền, nước mắt đi tìm Cát

Hạt cát vàng của mẹ, mau về với bố thôi…”

Dù cố gắng mạnh mẽ đến mấy nhưng khát khao mong con quá lớn trái ngược với hiện thực phũ phàng làm cho người phụ nữ hiếm muộn khi ấy không tránh khỏi những giây phút rơi vào tuyệt vọng. Bên cạnh đó, đôi vợ chồng trẻ còn phải nghe những lời dèm pha, dị nghị ngoài xã hội như những vết dao cứa vào lòng.

“Đã có những lúc mình luôn nghĩ không hiểu sao cuộc sống của mình nó lại như thế, nước mắt tự rơi không kìm lại được. Khi đó chồng thấy mình đau đớn quá, anh ấy bảo thôi vợ chồng mình không cần có con nữa, hai vợ chồng chỉ cần sống bình thường, đi làm có tiền rồi đi du lịch là được, không nhất thiết phải có con. Nhiều khi anh ấy cũng tuyệt vọng và nghĩ thương vợ quá vì ròng rã gần 7 năm mà không có kết quả” – chị Giang nghẹn ngào nhớ lại. Nhưng sau tất cả, cô giáo Giang cố gạt đi những giọt nước mắt buồn tủi để bước tiếp, nhất định không từ bỏ hành trình này.

“Mình may mắn vì dù không có chồng ở cạnh nhưng luôn có mẹ chồng tâm lý động viên, gia đình nội ngoại quan tâm chia sẻ nên mình luôn cố gắng  mạnh mẽ vượt qua những khó khăn để tập trung làm việc, chờ ngày chồng đi công tác về để cả hai sẽ tiếp tục tìm con”.

Yêu thương hóa phép màu

Năm 2017, tình cờ chị Giang biết đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chị bắt đầu đọc những câu chuyện tìm con của các cặp đôi hiếm muộn hàng chục năm đã đón con yêu thành công ở đây. Chờ dịp nghỉ hè đến, cũng là dịp chồng chị vừa kết thúc chuyến đi tàu dài ngày và được về nhà nghỉ phép, hai vợ chồng bắt đầu ra bệnh viện khám.

“Ra tới bệnh viện thì cảm giác khác hoàn toàn, nguyên cái cảm giác được đón tiếp rồi quy trình khám mọi thứ ngày đấy rất là trơn tru và các bạn nhân viên y tế đã rất là tận tình rồi. Tự nhiên cái tinh thần của mình phấn chấn hẳn lên, đi khám bệnh mà mình lúc nào cũng vui vẻ lúc nào cũng cảm thấy nó bình yên. Hai vợ chồng được bác sĩ Hiền khám. Bác rất nhẹ nhàng và nhiệt tình. Bác cho phác đồ điều trị, một tháng sau là bắt đầu vào quá trình kích trứng rồi chọc trứng tạo phôi”, chị Giang chia sẻ.

Hai thiên thần nhỏ Trần Cát Thiên Di và Trần Cát Thiên Ân.
Hai thiên thần nhỏ Trần Cát Thiên Di và Trần Cát Thiên Ân.

Nhờ tinh thần thoải mái và phác đồ điều trị phù hợp, lần đó vợ chồng chị Giang tạo được 9 phôi ngày 5. Sau lần chuyển phôi tươi đầu tiên không thành công, chị Giang quyết định về nghỉ ngơi và 4 tháng sau quay lại bệnh viện để chuyển phôi trữ. Cuối năm 2017 cả gia đình chị Giang anh Thiên vỡ òa hạnh phúc khi lần đầu tiên được nghe bác sĩ thông báo chị đã chuyển phôi thành công sau 2 lần IVF, 3 lần chuyển phôi thất bại trước đó.

Ngày 10/9/2018 nàng công chúa nhỏ đầu tiên cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vô bờ của gia đình nội ngoại hai bên. Vậy là từ nay sẽ không còn những lời dèm pha, không còn định kiến hay bất cứ áp lực tinh thần nào đè nén lên cô giáo Giang mạnh mẽ kiên cường nữa.

“Đúng là mọi sự cố gắng đều được đền đáp, con gái đến với vợ chồng mình như một giấc mơ sau bao ngày tháng mong đợi. Chồng mình đặt tên con là Trần Cát Thiên An với ý nghĩa con đến với bố mẹ là một sự may mắn trời ban sau bao nhiêu khó khăn vất vả, mong con sẽ luôn đón nhận những điều an lành, bình yên” – chị Giang chia sẻ về ý nghĩa khi đặt tên con.

Tháng 12/2020, chị Giang quay lại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để chuyển số phôi trữ còn lại và may mắn lại mỉm cười, hai mầm sống mới hình thành trong cơ thể chị. Chị Giang kể, suốt quãng thời gian 2 lần mang bầu chồng mình đều không có ở nhà nhưng hàng ngày anh luôn gọi điện về và không quên nói lời yêu thương. Cứ như vậy, quá trình thai kỳ của chị Giang diễn ra thuận lợi nhờ sự chăm sóc tận tình của mẹ chồng và anh chị em. Ngày 19/8/2021, hai nàng công chúa Trần Cát Thiên Di và Trần Cát Thiên Ân chào đời làm cuộc sống gia đình chị Giang càng thêm có ý nghĩa.

“Nhờ sự kiên trì của hai vợ chồng, tình yêu thương và sự tài giỏi của các y bác sĩ mà những em bé phôi nhỏ như hạt cát đã hóa thành thiên thần đến với gia đình mình. Mình chỉ muốn nhắn nhủ đến các gia đình đang mong con là hãy vững tâm, dù có khó khăn đến mấy, hoàn cảnh có khắc nghiệt đến mấy thì hãy luôn vững tin và nghĩ rằng con yêu vẫn đang đợi bố mẹ ở đâu đó, chỉ là con đến muộn chút thôi” – đó là những tâm sự của chị Giang muốn gửi đến các gia đình hiếm muộn đã và đang trên hành trình tìm con.Giữa muôn vàn câu chuyện tìm con của các gia đình hiếm muộn, đâu đó vẫn có hình ảnh những người vợ, người chồng mang nỗi đau, buồn tủi khi nhiều năm ròng rã vất vả chạy chữa ngược xuôi nhưng “con yêu vẫn chưa chịu về”. Mỗi lần thất bại trên hành trình tìm con kéo theo nỗi lo về tài chính và cả những gánh nặng tâm lý của các gia đình hiếm muộn. Thấu hiểu những khó khăn đó, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội triển khai chương trình ưu đãi “Ươm mầm xanh, bảo hành IVF”. Theo đó, khi bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, đăng ký tham gia chương trình và chọc hút noãn tại AF HANOI trong thời gian từ 06/11/2024 đến hết ngày 30/4/2025 sẽ được hoàn lại chi phí thực hiện kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm (chọc trứng, tạo phôi, nuôi phôi ngày 3, 1 lần chuyển phôi) nếu quá trình chuyển phôi không thành công. Chương trình ra đời với mục tiêu hỗ trợ tài chính nhân văn, xây dựng niềm tin vững chắc cho các gia đình khi lựa chọn IVF tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ngoài ra, từ 6/11/2024 – 20/1/2025, AF HANOI ưu đãi giảm 20% chi phí khám, siêu âm, x-quang tử cung vòi trứng và các xét nghiệm cận lâm sàng; tặng phiếu hỗ trợ phẫu thuật trị giá 5 triệu đồng (áp dụng cho các phẫu thuật từ 10 triệu đồng trở lên, không gồm chi phí thuốc và chi phí lưu viện)./.

V.Linh/Theo Tạp chí Gia Đình Mới

https://giadinhmoi.vn/hanh-phuc-ngot-ngao-cua-co-giao-tieu-hoc-sau-7-nam-kien-cuong-tren-hanh-trinh-tim-con-d90359.html

halotimes social

Bài liên quan