Teen ngày nay không chỉ yêu trong lớp học mà còn bị kiểm soát cả trên mạng xã hội và cách ăn mặc, khiến nhiều bạn dần đánh mất sự tự do cá nhân trong chính mối quan hệ của mình.
“Hôm nay em không được đăng story, bạn trai em không thích. Mặc áo rộng chút đi, không khéo lại gây hiểu nhầm…” Đó không phải là lời mẹ dặn con gái tuổi teen, mà là dòng tin nhắn từ người yêu của N. (17 tuổi, học sinh lớp 11, TP.HCM).
Câu chuyện của N. không phải cá biệt. Nhiều bạn trẻ đang ở trong một mối quan hệ tưởng chừng “rất yêu”, nhưng thực chất là đang bị kiểm soát từng bước.
Tình yêu hay sự ràng buộc dưới vỏ bọc quan tâm?
Những mối quan hệ tuổi teen hiện nay không chỉ là trao đổi tin nhắn dễ thương hay cùng nhau ôn bài. Một bộ phận lớn teen đang dần quen với việc đối phương đòi hỏi quyền “quản lý” tài khoản mạng xã hội, mật khẩu điện thoại, thời gian online và thậm chí là… cách ăn mặc.
“Người yêu em bắt phải tắt tính năng hiển thị online trên Messenger. Em không được mặc quần short, không được đăng ảnh đi chơi nếu không có bạn ấy. Ban đầu em nghĩ là vì bạn ấy yêu mình nên mới lo lắng vậy, nhưng dần dần em thấy như bị bóp nghẹt”, Q. (18 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Kiểm soát là dấu hiệu của một mối quan hệ độc hại
Không ít teen phải đối mặt với những tình huống oái oăm như: đăng story phải “tag” người yêu, phải gửi hình chụp màn hình cuộc trò chuyện với bạn khác giới để chứng minh “trong sạch”, bị yêu cầu gỡ ảnh cũ, xoá follow người lạ…
Theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân (giảng viên ngành tâm lý học Trường ĐH Hoa Sen, cố vấn chuyên môn tại tổ hợp dịch vụ hỗ trợ tâm lý Saigon Psychub), ghen là một phản ứng thông thường trong các mối quan hệ.
Nếu những hành vi và cảm xúc này được nhận biết, điều tiết và thể hiện phù hợp, nó cho thấy việc mối quan hệ này quan trọng với cá nhân. Điều này tạo động lực gìn giữ mối quan hệ cũng như có thể trở thành một thông điệp yêu thương để người kia biết được vai trò, ý nghĩa của mối quan hệ và chính họ đối với bản thân cá nhân đó.
Thạc sĩ Ân cho biết một phản ứng ghen thiếu lành mạnh là khi họ bắt đầu đánh mất sự kiểm soát trong hành vi của mình. “Họ có thể bắt đầu có những biểu hiện như kiểm soát, theo dõi quá mức hoặc có những hành vi lạm dụng để kiểm soát đối phương. Trong một số trường hợp, việc mong muốn kiểm soát hoàn toàn người mình yêu có khả năng dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng về tính mạng và sức khỏe”, Ths. Ân chia sẻ.
Đáng chú ý, nhiều bạn trẻ không nhận ra mình đang bị kiểm soát. Họ nhầm lẫn giữa sự ghen tuông cực đoan với biểu hiện của tình cảm sâu đậm. Việc kiểm tra điện thoại, hỏi “đang làm gì? ở đâu? với ai?” liên tục được xem là “dấu hiệu quan tâm”.
Phụ huynh và nhà trường cần quan tâm
Dưới góc độ giáo dục, nhà trường cần tổ chức nhiều hơn các buổi sinh hoạt chuyên đề về sức khỏe tâm lý và giáo dục giới tính, giúp học sinh hiểu rằng yêu là để cùng nhau phát triển, chứ không phải để kìm hãm, ràng buộc nhau.
Bên cạnh việc cảnh báo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tự trọng và ranh giới cá nhân ở tuổi vị thành niên.
Tình yêu tuổi teen rất đẹp nhưng chỉ khi nó đi kèm với sự tôn trọng. Khi mạng xã hội trở thành công cụ kiểm soát và chiếc áo bạn mặc cũng là lý do gây tranh cãi, thì đã đến lúc bạn nên tự hỏi: “Mối quan hệ này giúp mình lớn lên, hay đang khiến mình nhỏ lại?”.