Yêu mà không được là chính mình, liệu có hạnh phúc?

Thiên Di

Phóng viên

Yêu mà phải gồng mình thay đổi để vừa lòng đối phương, liệu đó có còn là tình yêu hay chỉ là sự đánh đổi chính mình để được chấp nhận?

Nhiều bạn trẻ ngày nay bước vào tình yêu với tâm thế háo hức, kỳ vọng, thậm chí… đánh đổi bản thân. Có người thay đổi gu ăn mặc, cách nói chuyện, thói quen, sở thích hoặc từ bỏ cả bạn bè, đam mê… chỉ để được người kia chú ý, hoặc đơn giản là “hợp” với hình mẫu mà đối phương mong muốn.

“Bạn yêu người đó, hay đang cố gắng trở thành người mà người đó muốn yêu?” – câu hỏi khiến không ít teen giật mình nhìn lại mối quan hệ của mình. Khi yêu mà không được là chính mình, tình yêu đó có thật sự đáng giá?

Năm 2016, nghiên cứu do Angela Bahns – PGS. Wellesley và Chris Crandall – chuyên gia tâm lý học tại Đại học Kansas (Mỹ) tiến hành đã tìm hiểu câu hỏi: Liệu một người có thể thay đổi bản thân vì người mà họ yêu hay không?

Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội (Journal of Personality and Social Psychology) cho thấy: “Mặc dù ý tưởng về ảnh hưởng lẫn nhau giữa các đối tác là cốt lõi của nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra tính cách, thái độ và giá trị của đối tác hầu như không khiến hành vi của một người thay đổi”.

Empty

Cố gồng để được yêu: Thực tế buồn của nhiều mối quan hệ tuổi teen

“Bạn trai em nói không thích con gái đăng ảnh lên mạng, nên em đã khoá luôn Instagram. Em cũng bỏ luôn hội bạn thân vì anh không thích em đi chơi tối với nhiều người”, M., 17 tuổi, TP.HCM kể.

Ban đầu, M. thấy mình đang làm điều đó vì tình yêu. Nhưng dần dần, cô bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, vì mỗi ngày trôi qua đều phải sống khác với chính mình. Sợ bị trách móc, sợ không “đủ tiêu chuẩn”, sợ bị bỏ rơi, cảm giác đó khiến M. chẳng còn thấy thoải mái trong chính mối quan hệ của mình.

Không riêng gì M., rất nhiều teen rơi vào trạng thái tương tự gồng gánh để duy trì một mối quan hệ tưởng như hạnh phúc, nhưng lại ngày càng xa rời con người thật của mình.

Hạnh phúc giả tạo sẽ bào mòn lòng tự trọng

Việc cố gồng lên để trở thành phiên bản “được yêu” sẽ khiến bạn đánh mất cảm giác được yêu vì chính mình. Nhiều bạn trẻ sau khi chia tay chia sẻ họ thậm chí… không còn biết đâu là con người thật của mình.

Khi bạn không được là chính mình trong một mối quan hệ, mọi cảm xúc vui vẻ cũng trở nên gượng ép. Và điều nguy hiểm nhất là: bạn bắt đầu nghĩ rằng mình không đủ tốt nếu không thay đổi.

Empty

Tình yêu thật sự không cần “diễn”

Thay vì chạy theo những tiêu chuẩn mà người khác đặt ra, hãy tự hỏi: Người ấy yêu bạn, hay chỉ yêu hình ảnh mà họ mong bạn trở thành?

Nếu bạn cảm thấy phải thay đổi để được yêu, đó không phải là tình yêu. Đó là sự đánh đổi và đánh đổi bằng chính sự tự do cá nhân của bạn.

Làm sao để được yêu mà vẫn là chính mình?

Biết rõ giá trị bản thân: Bạn không cần trở thành người khác mới xứng đáng được yêu.

Giao tiếp rõ ràng: Nếu đối phương yêu cầu thay đổi điều khiến bạn không thoải mái, hãy chia sẻ thẳng thắn.

Đặt ra ranh giới: Đừng bỏ rơi sở thích, bạn bè, đam mê chỉ để “vừa mắt” người khác.

Yêu chính mình trước tiên: Một người hiểu và yêu bản thân sẽ không dễ bị cuốn vào những mối quan hệ khiến mình phải đánh mất mình.

Tình yêu không phải là vai diễn, nếu bạn phải cố gồng lên, giấu đi cảm xúc thật và sống khác với chính mình để được yêu, thì đó không phải là tình yêu mà là sự gượng ép. Một người thật lòng yêu bạn sẽ không khiến bạn thấy phải thay đổi, mà sẽ khiến bạn cảm thấy an toàn khi là chính mình.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất