Tình yêu tuổi teen luôn là đề tài gây tranh cãi: có người xem là động lực trưởng thành, có người lại cho là lãng phí thời gian và cảm xúc.
Tình yêu tuổi teen, có người nói là dễ thương, có người lại cho rằng quá sớm. Có cặp học cùng nhau mà tiến bộ vượt bậc, cũng có đôi vừa yêu vừa lơ là học hành. Vậy tình yêu tuổi học trò là động lực để trưởng thành, hay chỉ khiến các bạn trẻ tốn thời gian và cảm xúc?
Yêu khi còn ngồi ghế nhà trường
Không thể phủ nhận tuổi dậy thì là thời điểm trái tim bắt đầu biết rung động. Cảm xúc yêu đương nhen nhóm từ những lần trò chuyện, học nhóm, hay thậm chí chỉ là ánh mắt chạm nhau giữa sân trường.
Với nhiều bạn, đó là tình cảm đầu tiên, trong sáng và đầy hồi hộp. Là lần đầu biết nhớ nhung một người, lần đầu quan tâm ai đó nhiều đến thế và cũng là lần đầu biết buồn vì một tin nhắn “seen không rep”.
Tình yêu tuổi teen không sai, vì đó là một phần tự nhiên trong quá trình lớn lên nhưng yêu sao cho đúng mới là điều đáng bàn.
Yêu đúng cách sẽ tạo động lực cùng tiến bộ?
Không ít bạn trẻ chia sẻ rằng nhờ có người yêu, mình chăm học hơn, biết cố gắng hơn. Vì đơn giản: “Mình muốn tốt hơn để xứng đáng với người ấy”.
Cả hai cùng nhắc nhau học bài, thi đua điểm số, cùng đặt mục tiêu cho tương lai. Những mối tình như vậy thực sự là “liều doping tinh thần” giúp tuổi học trò có thêm động lực vượt qua áp lực học hành.
Không phải tình yêu tuổi teen nào cũng màu hồng. Có những mối quan hệ khiến các bạn chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực, ghen tuông, giận hờn vô cớ, hay kiểm soát nhau thái quá.
Theo chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, Văn phòng tư vấn TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM chia sẻ trên Vnexpress, nhu cầu tìm hiểu về tâm sinh lý và giới tính của bản thân các bạn trẻ giai đoạn này là chính đáng và phù hợp sự phát triển lứa tuổi.
Tuy nhiên phụ huynh vẫn còn tâm lý e ngại, tránh nói chuyện với con về những chuyện tế nhị này. Vì thế để thỏa mãn trí tò mò, các bạn trẻ thường tự lên mạng tìm hiểu hoặc học hỏi từ bạn bè.
Đa phần những thông tin mà trẻ tìm được mang tính “kích thích bản năng” hơn là giáo dục giới tính. Hơn nữa khi tự tìm hiểu trên mạng, lứa tuổi này rất dễ sa đà vào những trang web có nội dung xấu, đồi trụy, dẫn đến những nhận thức lệch lạc về tình yêu và tình dục.
“Vì thế cha mẹ cần chủ động cung cấp sách, tài liệu mang tính giáo dục đúng đắn về giới tính, tình dục cũng như những thay đổi về tâm sinh lý phù hợp với lứa tuổi của con trẻ. Tốt nhất cha mẹ nên đọc trước rồi giải thích cho trẻ hiểu hoặc cùng đọc với con. Nếu e ngại, cha mẹ có thể để sách trên bàn cho con tự tìm hiểu và nên nhớ sách phải phù hợp với tuổi của trẻ”, ông Thảo khuyên.
Yêu nhưng đừng quên yêu chính mình trước
Tuổi học trò là giai đoạn để học, để lớn lên, để trải nghiệm những cảm xúc đầu đời bao gồm cả tình yêu. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là: bạn phải yêu bản thân trước khi yêu người khác.
Đừng để tình yêu khiến bạn quên đi đam mê, mục tiêu và sự phát triển cá nhân. Đừng để bản thân phụ thuộc vào một ai đó để cảm thấy có giá trị.
Nếu tình yêu giúp bạn tốt hơn, hãy giữ nó, hưng nếu nó khiến bạn mệt mỏi, tiêu cực, quên mất chính mình hãy dũng cảm buông. Không ai cấm yêu khi đang còn là học sinh, nhưng mỗi bạn trẻ cần biết giới hạn, trách nhiệm và bản lĩnh trong cảm xúc của mình.
Tình yêu tuổi teen có thể rất đẹp, nếu nó cùng bạn trưởng thành. Nhưng cũng có thể là mối quan hệ độc hại nếu bạn yêu sai cách, sai người và sai cả thời điểm. Bạn có thể yêu, nhưng đừng quên: chính bạn mới là người quan trọng nhất trong hành trình trưởng thành này.