Trong vai trò Giám đốc Chương trình đào tạo đại học ngành Giáo dục Mầm non tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Tiến sĩ Đặng Út Phượng kiên trì theo đuổi hướng nghiên cứu đổi mới phương pháp đào tạo, đặc biệt tập trung vào giáo dục STEAM, kỹ năng sống và phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên ngành sư phạm.
Chia sẻ về lĩnh vực bản thân theo đuổi hơn 13 năm nay, nữ tiến sĩ nhìn nhận, giáo dục mầm non còn đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển mình theo xu thế thời đại.
Theo cô, việc phát triển đội ngũ giáo viên mầm non đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng và điều kiện làm việc còn hạn chế. Cùng với đó, chuyển đổi số cũng đặt ra yêu cầu mới về năng lực và phương pháp sư phạm tích hợp công nghệ. Nhà giáo cần được trang bị không chỉ tri thức chuyên môn, mà cả kỹ năng ngôn ngữ, hiểu biết văn hoá, năng lực thiết kế chương trình mang tính toàn cầu để thích ứng với xu thế quốc tế hoá trong giáo dục.
Từ những thách thức trên, Tiến sĩ Phượng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đổi mới đào tạo sư phạm: “Chỉ khi có đội ngũ giáo viên chất lượng, chúng ta mới có thể xây dựng được một nền giáo dục mầm non bền vững, thích ứng với những chuyển động mạnh mẽ của thời đại số”.
Nhìn thấy những rào cản ấy, Tiến sĩ Đặng Út Phượng chọn cách đối diện và tìm hướng đi mới. “Giáo dục STEAM và kỹ năng sống không nên được xem là các nội dung bổ sung mà cần được tích hợp như một phần thiết yếu trong chương trình giáo dục mầm non,” nữ tiến sĩ chia sẻ.
Với hơn 13 đề tài khoa học các cấp, hơn 30 công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng chủ biên nhiều tài liệu chuyên ngành và là thành viên tham gia xây dựng các đề án lớn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tiến sĩ Đặng Út Phượng là một trong số ít những trí thức trẻ có ảnh hưởng tích cực đến thực tiễn giáo dục mầm non hiện nay.
Về điều bản thân còn trăn trở, cô chia sẻ đó là việc hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức giáo dục STEAM trong bậc học mầm non.
“Nếu có một quyết định chính thức từ cấp quản lý, giáo dục STEAM sẽ được định danh rõ ràng hơn trong chương trình đào tạo, từ đó giúp tháo gỡ rào cản triển khai tại các địa phương và phát huy tác động tích cực tới sự phát triển toàn diện của trẻ,” nữ tiến sĩ bày tỏ.
Kết nối, đổi mới và cống hiến
Để những mô hình giáo dục tiên tiến như STEAM thực sự lan tỏa, theo tiến sĩ Phượng, không thể thiếu không gian kết nối và chia sẻ giữa các trí thức trẻ. Chính vì vậy, cô đánh giá cao những hoạt động như Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, nơi khơi dậy tinh thần cống hiến, đổi mới và liên kết vì mục tiêu chung.
Là một trong số 206 đại biểu tham dự diễn đàn năm nay, nữ tiến sĩ khẳng định vai trò quan trọng của tầng lớp trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Theo cô, khi đất nước bước vào giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, đội ngũ trí thức trẻ đang giữ vai trò nòng cốt trong việc đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. “Với nền tảng học vấn, tư duy phản biện và khả năng thích ứng linh hoạt, trí thức trẻ không chỉ là người nghiên cứu, người học, mà còn là người kiến tạo nên những giá trị mới cho xã hội thông qua công nghệ và mô hình hiện đại,” nữ tiến sĩ nhấn mạnh.
Bên cạnh mặt chuyên môn, Tiến sĩ Phượng cho rằng, trí thức trẻ ngày nay còn mang trong mình tinh thần trách nhiệm xã hội, khả năng kết nối liên ngành và khát vọng cống hiến: “Họ chính là lực lượng góp phần đưa tri thức toàn cầu vào thực tiễn Việt Nam, đồng thời lan tỏa giá trị Việt Nam ra thế giới”.
Dành lời nhắn gửi cho thế hệ trí thức tiếp theo, nữ tiến sĩ chỉ gói gọn bằng một niềm tin giản dị: “Nếu mỗi người đều cố gắng làm tốt việc của mình mỗi ngày, sống tử tế, có trách nhiệm và đặc biệt, luôn nỗ lực để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, đất nước sẽ được nuôi dưỡng bởi một nguồn lực phát triển bền vững từ bên trong”.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI diễn ra từ ngày 19 đến 21/7/2025 tại Hà Nội, với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Sự kiện do Trung ương Đoàn phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức, nhằm kết nối, phát huy vai trò của trí thức trẻ trong xây dựng đất nước giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập.
Diễn đàn quy tụ hơn 200 đại biểu chính thức là các trí thức trẻ trong và ngoài nước, cùng hơn 300 đại biểu dự thính và khách mời. Nội dung thảo luận xoay quanh 4 chủ đề chính: AI và công nghệ mới, khởi nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi toàn cầu, và phát triển văn hóa – giáo dục trong kỷ nguyên mới.