Không phải do thời tiết nóng hơn hay giá điện tăng, chính những thói quen tưởng chừng vô hại dưới đây đang âm thầm “rút ví” của bạn mỗi tháng.
Tiền điện tăng chóng mặt mỗi tháng, nguyên nhân không hẳn đến từ việc bạn dùng thiết bị gì, mà là cách bạn sử dụng chúng mỗi ngày.
Trong thời điểm nắng nóng kéo dài, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… phải hoạt động liên tục, khiến hóa đơn tiền điện nhiều gia đình “nhảy số” không kiểm soát.
Tuy nhiên, điều đáng nói là rất nhiều người vô tình duy trì những thói quen tưởng chừng vô hại, nhưng lại âm thầm “đốt” hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng mỗi tháng. Dưới đây là 6 thói quen điển hình khiến tiền điện nhà bạn tăng không phanh.
Chia sẻ tại một tọa đàm về cung ứng điện tháng 4/2024, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sử dụng điều hòa vào mùa hè chiếm khoảng 50-70% tổng nhu cầu sử dụng điện với các hộ gia đình.
Mức nhiệt lý tưởng nhất vị chuyên gia này khuyên các hộ gia đình lựa chọn là 26-27 độ. “Nếu chúng ta giảm 1 độ của điều hòa, ví như từ 26 độ xuống 25 độ, thì điện năng tiêu thụ tăng thêm 3% và đây là con số rất lớn.
Do đó, nếu biết cách sử dụng điều hòa đúng cách thì sẽ tiết kiệm, hiệu quả, mang lại lợi ích lâu dài đối với hộ gia đình và xã hội”, ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
- Bật điều hòa 24/24 nhưng quên… vệ sinh máy
Nhiều gia đình có thói quen bật điều hòa cả ngày, nhất là vào mùa hè, nhưng ít ai chú ý đến việc vệ sinh dàn lạnh, dàn nóng định kỳ.
Khi bụi bẩn bám dày, máy lạnh sẽ phải hoạt động hết công suất để đạt nhiệt độ yêu cầu, gây hao điện nghiêm trọng. Theo Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, điều hòa bẩn có thể tiêu tốn điện năng nhiều hơn 15 – 20% so với bình thường.
- Cắm sạc điện thoại/laptop cả đêm
Cắm sạc qua đêm không chỉ gây chai pin thiết bị, mà còn tiêu tốn điện âm thầm. Bộ sạc vẫn tiêu thụ điện ngay cả khi pin đã đầy hoặc khi không kết nối với thiết bị nào. Đây được gọi là hiện tượng “điện rò rỉ” – standby power, chiếm tới 10% hóa đơn điện mỗi tháng nếu bạn có nhiều thiết bị.
- Quên rút phích cắm sau khi tắt thiết bị
Nhiều người có thói quen tắt TV, nồi cơm điện, máy tính chỉ bằng remote hoặc nút nguồn, nhưng vẫn để phích cắm điện nối trực tiếp với ổ. Trên thực tế, thiết bị ở chế độ “ngủ” hoặc chờ vẫn tiếp tục tiêu thụ điện, dù không hoạt động. Một chiếc TV hiện đại có thể tiêu thụ đến 40W mỗi ngày chỉ vì không rút phích cắm.
- Mở tủ lạnh liên tục, để cửa quá lâu
Tủ lạnh là thiết bị hoạt động 24/7, việc bạn mở cửa nhiều lần hoặc để cửa mở lâu khiến hơi lạnh thất thoát, máy phải chạy lại từ đầu để làm mát. Việc xếp thực phẩm quá kín, che mất quạt gió cũng khiến tủ lạnh kém hiệu quả, tiêu tốn điện không cần thiết. Chuyên gia khuyên nên mở cửa tủ nhanh chóng, không quá 30 giây/lần.
- Giặt quần áo bằng nước nóng dù không cần thiết
Nhiều máy giặt hiện nay có chế độ giặt bằng nước nóng. Tuy nhiên, đối với quần áo thông thường, giặt bằng nước lạnh là đủ sạch. Việc dùng nước nóng không đúng cách không chỉ làm hư sợi vải mà còn khiến máy tiêu tốn gấp đôi lượng điện, nhất là khi dùng điện trở để đun nước.
- Sử dụng thiết bị cũ, không tiết kiệm điện
Tivi, máy lạnh, quạt máy, tủ lạnh… nếu đã sử dụng trên 10 năm thường không còn đạt hiệu suất tiêu thụ điện như ban đầu. Thiết bị cũ vừa tốn điện, vừa có nguy cơ cháy nổ do dây dẫn xuống cấp. Người tiêu dùng nên thay mới bằng các thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Tiết kiệm điện không chỉ giúp giảm chi tiêu cá nhân mà còn là hành động thiết thực bảo vệ môi trường. Hãy bắt đầu từ việc “dọn dẹp” lại những thói quen vô thức trong sinh hoạt hằng ngày, và bạn sẽ bất ngờ khi hóa đơn tiền điện giảm xuống rõ rệt mà vẫn sống mát mẻ, tiện nghi.