“Thời trang nhanh” và cái giá không rẻ mà giới trẻ đang phải trả

Thiên Di

Phóng viên

Thời trang nhanh mang đến lựa chọn rẻ, đẹp, bắt trend cho giới trẻ, nhưng ẩn sau đó là những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, tài chính và lối sống tiêu dùng lệch chuẩn.

Mua rẻ, mặc đẹp, thay liên tục, thời trang nhanh đang trở thành xu hướng phổ biến trong giới trẻ. Nhưng đằng sau những món đồ chỉ vài chục nghìn là cái giá rất đắt: môi trường ô nhiễm, sức khỏe bị đe dọa và giá trị cá nhân bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng cực đoan.

Empty

“Fast fashion”: Trào lưu lên ngôi trong giới trẻ

Những chiếc áo crop top giá 69.000 đồng, váy sale 50%, hay áo hoodie “trendy” chỉ vài trăm nghìn… đang tràn ngập tủ đồ của nhiều bạn trẻ. Nhờ mức giá rẻ, thiết kế thời thượng và cập nhật xu hướng liên tục, các thương hiệu thời trang nhanh như Shein, H&M, Zara… dễ dàng chiếm lĩnh thị trường người tiêu dùng trẻ, đặc biệt là học sinh – sinh viên.

Khánh Linh (20 tuổi, Hà Nội) là một trong những bạn trẻ đam mê chạy theo cơn sốt thời trang nhanh, xem việc cập nhật xu hướng mỗi ngày là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

“Mình cảm thấy tủ đồ không bao giờ đủ. Mỗi lần lên TikTok thấy ai mặc gì mới là y như rằng mình phải săn bằng được. Thời điểm kịch liệt nhất, một tháng mình đặt hơn 30 đơn hàng”, Khánh Linh cho hay.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng mỗi chiếc áo rẻ tiền đó lại đi kèm một cái giá đắt đỏ về môi trường và nhân quyền, chưa kể đến ảnh hưởng tâm lý hành vi tiêu dùng lệch lạc ở giới trẻ.

Empty

Tác hại “ngầm” nhưng nguy hiểm:

1. Ô nhiễm môi trường từ mỗi món đồ mặc một lần

Trong Báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn cho thấy Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.

Báo cáo cho biết một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam.

Để sả xuất 1 chiếc áo cotton cần đến 2.700 lít nước, tương đương lượng nước một người uống trong 2,5 năm. Ngoài ra, chất thải từ nhuộm vải, hóa chất xử lý vải, và lượng lớn quần áo bị vứt bỏ sau ít lần mặc đã tạo nên núi rác thải khổng lồ, hủy hoại hệ sinh thái và góp phần vào biến đổi khí hậu.

Empty

2. Khuyến khích tiêu dùng “bốc đồng”, lệ thuộc vào xu hướng

Fast fashion thúc đẩy tâm lý “đổi đồ như đổi mood”, khiến giới trẻ chạy theo hình ảnh bề ngoài và giá trị ảo. Nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực phải mua sắm để “bắt trend” và tự ti nếu không mặc đồ hợp thời.

Điều này dẫn đến việc lãng phí tài chính, hình thành thói quen tiêu dùng không bền vững, và xa rời khái niệm “giá trị sử dụng thật”.

3. Tác động đến nhân quyền và điều kiện lao động

Phía sau giá rẻ là những xưởng may tại các nước đang phát triển, nơi công nhân bị trả lương thấp, làm việc quá giờ, thiếu điều kiện an toàn.

Sự phát triển nóng của ngành thời trang nhanh đồng nghĩa với việc lợi nhuận được đặt lên trên sức khỏe và nhân phẩm của người lao động.

Giải pháp nào cho một tủ đồ thông minh?

    • Ưu tiên chất lượng hơn số lượng: Mua ít lại, chọn đồ bền và phù hợp với nhiều dịp.
    • Ủng hộ thời trang bền vững, local brand: Hướng tới những thương hiệu sản xuất có đạo đức và minh bạch nguồn gốc.
    • Thử mua đồ second-hand, đổi đồ, tái sử dụng: Tạo vòng đời mới cho quần áo thay vì vứt bỏ.
  • Thay đổi tư duy về cái đẹp: Không phải món đồ mới nhất mới là đẹp nhất – mà là món đồ phù hợp nhất với chính mình.

Thời trang nhanh mang đến cảm giác hào nhoáng, nhưng đồng thời cũng “nuốt chửng” môi trường, ví tiền và cá tính của bạn. Là người tiêu dùng thông minh, giới trẻ nên cân nhắc trước khi quẹt thẻ: món đồ bạn mua có thực sự cần thiết, hay chỉ là nhất thời bắt mắt? Bởi thời trang là để thể hiện bản thân, không phải để chạy theo một guồng xoay không có điểm dừng.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất