Thắp lửa đổi mới sáng tạo trong ngành điều dưỡng tại Việt Nam

Liễu Mộc

Phóng viên

Sâu sắc, nhân văn và tinh thần đổi mới, đó là những gì nổi bật khi nhắc đến Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh, nhà nghiên cứu tại Đại học Trung Văn Hồng Kông (CUHK). Với định hướng phát triển các liệu pháp không dùng thuốc cho bệnh nhân ung thư, chị đang góp phần thay đổi tích cực cách tiếp cận điều dưỡng hiện đại.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh hiện là nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Điều dưỡng Nethersole, trực thuộc Đại học Trung Văn Hồng Kông. Đây là ngôi trường xếp top 5 trên thế giới về đào tạo ngành điều dưỡng theo bảng xếp hạng QS 2025.

Trong lĩnh vực nghiên cứu của bản thân, Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh lựa chọn một hướng đi đặc biệt: phát triển các can thiệp không dùng thuốc cho bệnh nhân ung thư.

Luôn đặt trọng tâm vào người bệnh

“Điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế,” Tiến sĩ Khánh nhấn mạnh. Theo chị, người điều dưỡng ngày nay, ngoài vai trò hỗ trợ bác sĩ còn cần có năng lực ra quyết định lâm sàng độc lập, chủ động dự phòng, chăm sóc toàn diện và tham gia vào quá trình cải thiện sức khỏe cộng đồng.

image2

Không đi theo lối mòn của những nghiên cứu thông thường, chị lựa chọn một hướng đi đầy nhân văn nhưng cũng đòi hỏi chuyên môn cao.

Theo chị, bệnh nhân ung thư là nhóm người bệnh thường xuyên chịu đựng các cơn đau thể xác, tâm lý lo âu, trầm cảm và các tác dụng phụ kéo dài trong suốt quá trình điều trị. Đối với họ, các liệu pháp điều trị không dùng thuốc sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng, đồng thời tạo cảm giác được chăm sóc toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nữ tiến sĩ cho biết: “Việc quản lý các triệu chứng bằng thuốc kéo dài thường gây nhiều tác dụng phụ hay tương tác thuốc. Do đó, sử dụng các liệu pháp không dùng thuốc để quản lí triệu chứng đang trở thành xu hướng và đã được áp dụng trên nhiều đối tượng bệnh nhân”.

Với tư duy nghiên cứu đổi mới, chị và nhóm đã triển khai nhiều giải pháp đa dạng như âm nhạc trị liệu, thư giãn, liệu pháp hương thơm, liệu pháp nụ cười… nhằm giảm lo âu và trầm cảm ở bệnh nhân ung thư.

Các giải pháp mà nhóm chị phát triển đều hướng tới tính khả thi và khả năng tiếp cận rộng rãi. “Chúng tôi nghiên cứu các mô hình nhằm nâng cao tỷ lệ khám sàng lọc ung thư định kì và các liệu pháp không dùng thuốc… Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp phát triển các ứng dụng (app) để người bệnh có thể tiếp cận can thiệp một cách dễ dàng, mọi lúc mọi nơi”, nữ tiến sĩ chia sẻ.

image4

Nhóm của chị cũng tiên phong nghiên cứu các chủ đề ít được chú ý như sức khỏe tình dục, bảo tồn sinh sản và chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân ung thư.

Trong mọi công trình, Tiến sĩ Khánh luôn đặt người bệnh làm trung tâm, với mục tiêu giúp họ được chăm sóc an toàn, nhẹ nhàng và có chất lượng sống tốt hơn. Những giá trị chị theo đuổi phản ánh rõ xu hướng điều dưỡng hiện đại: chủ động, sáng tạo và nhân văn.

Chìa khóa thúc đẩy vai trò của người điều dưỡng hiện đại

Được đào tạo và làm việc trong môi trường học thuật tiên tiến, Tiến sĩ Nguyễn Thị Khánh có cái nhìn rõ về vai trò của công nghệ trong điều dưỡng. Chị cho rằng: “Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phát triển các can thiệp không dùng thuốc là xu hướng tất yếu.”

Theo chị, mô hình chăm sóc đang thay đổi nhanh nhờ sự phát triển của ứng dụng di động, website can thiệp, AI hỗ trợ sàng lọc và robot điều dưỡng.

image3

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số ngành y tế, Tiến sĩ Khánh đánh giá cao tiềm năng đóng góp của trí thức trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực điều dưỡng.

Chị cho rằng, đội ngũ điều dưỡng trẻ có thể tham gia nghiên cứu phát triển các liệu pháp quản lý triệu chứng, công nghệ và quy trình chăm sóc nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và giảm chi phí điều trị.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, việc đưa công nghệ vào chương trình đào tạo cũng là một trong những yếu tố mấu chốt mà nữ tiến sĩ nhấn mạnh. “Các chương trình đào tạo nói chung và điều dưỡng nói riêng cần phải áp dụng khoa học công nghệ. Như vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp mới tự tin, làm chủ công nghệ, sẵn sàng ứng dụng trong công việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.”

Đối với chị, việc thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong đào tạo và thực hành lâm sàng sẽ tạo ra thế hệ điều dưỡng năng động, thích nghi nhanh với công nghệ mới và có khả năng làm việc liên ngành. Điều này cũng giúp xây dựng một nền điều dưỡng hiện đại, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.

image1

Là một trong những đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, chị đánh giá, diễn đàn lần này chính là nơi hội tụ và khơi dậy tinh thần đổi mới trong giới trẻ.

Đặc biệt với ngành điều dưỡng, một lực lượng đang ngày càng khẳng định vai trò độc lập và chuyên sâu trong hệ thống y tế, đội ngũ trí thức trẻ cần được trang bị tư duy nghiên cứu, khả năng ứng dụng công nghệ và đóng góp vào hoạch định chính sách. Chính họ sẽ là nhân tố thúc đẩy nền điều dưỡng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và có chiều sâu.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất