Các dân tộc thiểu số của Thanh Hóa chủ yếu là: Mường, Thổ, Khơ Mú, Mông, Dao, Khơ Mú, Thái.
Những năm qua, Thanh Hóa đã dành một nguồn lực không nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, trang phục, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thanh Hóa là một tỉnh có sự đa dạng về thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số cùng với sáu dân tộc thiểu số với số dân cụ thể: Mường (401.967 người), Thái (258.506 người), Mông (19.166 người), Thổ (12.675 người), Dao (6.551 người) và Khơ Mú (1.024 người). Các cộng đồng này chủ yếu sinh sống tại 11 huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Mỗi dân tộc đều sở hữu những giá trị văn hóa độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của vùng đất xứ Thanh, đòi hỏi được gìn giữ và phát triển.
Thanh Hóa là tỉnh có sự đa dạng về thành phần dân tộc (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển).
1. Dân tộc Kinh
Người Kinh sinh sống ở hầu khắp các vùng trong tỉnh. Dân tộc Kinh có vị trí quan trọng trong đời sống nói chung và việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở tỉnh Thanh Hóa.
Người Kinh hay người Việt là một trong những dân tộc bản địa tại Thanh Hóa. Những thành tựu khảo cổ học cho thấy vào thời đại đồng thau, lưu vực sông Mã, sông Chu đã trở thành trung tâm cư trú của người Việt cổ trên đất Thanh Hóa. Họ đã biến những đầm lầy hoang, cồn bãi hoang dại ven các con sông thành những vùng đất màu mỡ và xây dựng những xóm làng đầu tiên của người Việt cổ xứ Thanh
2. Dân tộc Khơ Mú
Dân tộc Khơ Mú sống tập trung ở hai bản: Đoàn Kết, xã Tén Tằn và Suối Lách, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát.
Nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Khơ Mú là sống hòa thuận trong chòm, trong bản. Mối quan hệ dòng họ rất nghiêm ngặt. Tộc trưởng có quyền quyết đoán mọi chuyện. Người Khơ Mú hầu như chỉ quan hệ với bên ngoài về kinh tế, còn quan hệ tình cảm, văn hóa khép kín trong dòng tộc.
3.Dân tộc Mường
Dân cư Mường ở Thanh Hóa ngày nay sinh sống chủ yếu ở vùng đồi và núi thấp, có khả năng phát triển kinh tế đồi rừng. Người Mường sinh sống tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước…
Người Mường cũng như người Thái ở nhà sàn, quần tụ lại thành chòm bản ở chân đồi hoặc gần sông suối. Nghề chính của đồng bào là làm ruộng, rẫy. Người Mường có nền văn hóa lâu đời, dân ca, dân vũ phong phú, đa dạng nhưng chưa có chữ viết riêng, ngôn ngữ theo nhóm ngôn ngữ Việt – Mường. Các dòng họ chủ yếu của người Mường là: Phạm, Nguyễn Đình, Trương Công, Quách, Cao, Lê Xuân, Bùi…
Đồng bào các dân tộc Thanh Hóa luôn ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống (Ảnh: Báo Chính Phủ)
4. Dân tộc Thổ
Dân tộc Thổ ở Thanh Hóa có nhiều nét gần với dân tộc Mường và dân tộc Kinh. Người Thổ chỉ có một họ duy nhất là họ Lê. Dân tộc Thổ cư trú chủ yếu ở huyện Như Xuân.
Nét riêng biệt của người Thổ là bộ sắc phục của phụ nữ khá độc đáo, duyên dáng. Phương thức canh tác chủ yếu là cấy lúa nước.
5. Dân tộc Thái
Lịch sử người Thái ở Thanh Hóa có quan hệ gần gũi và chặt chẽ với người Thái ở Tây Bắc và có nguồn gốc từ dòng họ Lò Khăm (tiếng Thái Đen). Các dòng họ chủ yếu của người Thái là: Hà, Phạm, Lang, Lò, Vi, Đinh… Người Thái ở Thanh Hóa có hai nhánh là: Thái Trắng (Táy Dọ) và Thái Đen (Táy Đăm). Người Thái Trắng sống tập trung ở hai huyện Thường Xuân, Như Xuân và một số bản giáp huyện Triệu Sơn. Người Thái Đen chiếm đa số, sống tập trung ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh.
Người Thái thường lập mường, lập bản theo sông, suối.
6. Dân tộc Dao
Dân tộc Dao ở Thanh Hóa tương truyền là từ Tuyên Quang, Phú Thọ, Quảng Ninh chuyển vào khoảng 4 đến 5 đời.
Người Dao dùng chữ Nho để ghi chép, khi đọc phát âm theo tiếng Dao. Trình độ hiểu biết, khả năng giao tiếp khá năng động, nhạy bén so với các dân tộc thiểu số khác. Dòng họ lớn nhất của dân tộc Dao là họ Triệu, ngoài ra còn có các họ Phan, Phùng, Bàn… Nhà ở của người Dao làm theo kiểu nửa sàn, nửa đất nhưng đến nay người Dao ở vùng thấp đã dựng nhà gần giống như nhà của người Kinh.
Trước đây, người Dao sống du canh, du cư. Nguồn sống của bà con dân tộc Dao dựa vào nương rẫy. Từ cuộc vận động định canh định cư, phần lớn người Dao đã xuống núi tập trung sản xuất, vừa đa canh, vừa thâm canh. Mọi chòm bản đều có trường lớp cho con em đi học. Tuy sống xen ghép với các dân tộc đông người, nhưng người Dao vẫn giữ được nét riêng biệt, độc đáo của dân tộc mình về văn hóa, lễ hội và sắc phụ.
7. Dân tộc Mông
Trước năm 1992, dân tộc Mông ở Thanh Hóa chỉ có một số ít, cư trú chủ yếu ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát.
Dân tộc Mông có nhiều dòng họ, trong đó có 3 họ lớn là họ Hơ, họ Thao và họ Lầu. Hiện nay người Mông sống chủ yếu ở gần 20 chòm bản thuộc các xã Pù Nhi, Mường Lý, Trung Lý, Tam Chung, Quang Chiểu, huyện Mường Lát và một số chòm ở các huyện Quan Sơn và Quan Hóa.