Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm nay quy tụ hơn 200 đại biểu là trí thức trẻ người Việt đang học tập và làm việc trong và ngoài nước. Các đại biểu được chia thành 4 nhóm nội dung để thảo luận các chủ đề trọng tâm.
Trong đó, nhóm nội dung số 3 tập trung vào chủ đề “Thích ứng bền vững trước các thách thức của biến đổi toàn cầu”, mang đến góc nhìn liên ngành từ lịch sử, nông nghiệp, công nghệ đến y tế, nhằm góp phần nâng cao năng lực ứng phó với khủng hoảng khí hậu tại Việt Nam.
Nghiên cứu lịch sử môi trường
Tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Vũ Đức Liêm, Phó Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trình bày một góc nhìn khoa học nhân văn về biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu lịch sử môi trường Việt Nam giai đoạn thế kỷ XIII-XIX.
“Việc chúng ta dự đoán về tương lai cũng quan trọng như cách chúng ta hình dung các mô hình trong quá khứ” tiến sĩ nói. Bài thuyết trình của anh đặt trọng tâm vào cách các xã hội Việt Nam trong quá khứ phản ứng trước biến động khí hậu và thiên tai.
Dựa trên nguồn sử liệu truyền thống và “tư liệu tự nhiên” như vòng cây, trầm tích hồ, phấn hoa cổ, anh phác họa bức tranh tương tác giữa con người, môi trường và nhà nước trong lịch sử.
Từ các ví dụ lịch sử, tiến sĩ Liêm cho rằng, những mô hình thích ứng trong quá khứ có thể cung cấp bài học giá trị cho bối cảnh hiện nay.
Quá trình ghi nhận, phản ứng và điều chỉnh của cộng đồng trước thiên tai giúp nhận diện năng lực thích nghi xã hội, đồng thời hé mở nền tảng cho các chính sách ứng phó khí hậu trong hiện tại và tương lai.
Hướng đi cho vấn đề chất thải đô thị
Tiếp sau chủ đề của Tiến sĩ Vũ Đức Liêm về các bài học từ lịch sử, Tiến sĩ Phùng Đức Lực, giảng viên Trường ĐH Yamagata (Nhật Bản), mang đến một hướng tiếp cận thực tiễn từ mô hình hiện đại: tích hợp xử lý nước thải với phát triển nông nghiệp bền vững.
Dựa trên các mô hình thử nghiệm tại thành phố Tsuruoka (Nhật Bản), anh giới thiệu hệ thống BISTRO GESUIDO – một chuỗi tuần hoàn khép kín kết hợp xử lý nước thải đô thị, tái sử dụng tài nguyên và ứng dụng vào sản xuất.
Mô hình BISTRO GESUIDO đã chứng minh hiệu quả khi sử dụng nước thải sau xử lý để tưới lúa, giúp tăng năng suất và hàm lượng đạm trong gạo, đồng thời giảm 15% chi phí phân bón và cắt giảm đến 80% khí nhà kính (CH₄, N₂O). Bùn thải được ủ thành phân compost; khí sinh học dùng để phát điện; nước tái sử dụng tiếp tục được ứng dụng vào nuôi cá và trồng rau thủy canh.
“Một hệ thống duy nhất nhưng tạo ra giá trị cho cả nông nghiệp, chăn nuôi và năng lượng”, anh nhận định. Tiến sĩ cũng cho rằng, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng tại Việt Nam, nơi hạ tầng xử lý nước thải đang được đầu tư mạnh để hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp.
Ứng phó rủi ro sức khỏe do biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Phiên thảo luận được nối tiếp bởi phần trình bày của nữ tiến sĩ Trần Nữ Quý Linh (Trường ĐH Queensland, Úc) với chủ đề tập trung vào mối liên hệ giữa nắng nóng và sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.
Dựa trên phân tích hệ thống 127 nghiên cứu cùng dữ liệu thực tế, Tiến sĩ Linh chỉ ra, nhiệt độ tăng cao làm gia tăng tỷ lệ tử vong và nhập viện, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm bệnh như tim mạch, hô hấp, thần kinh, thận và bệnh truyền nhiễm. “Chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 1°C, số ca sốt xuất huyết có thể tăng đến 5% mỗi năm,” chị nhấn mạnh.
Báo cáo cũng cho thấy riêng năm 2020, số ngày người dân Việt Nam tiếp xúc với sóng nhiệt đã tăng thêm 200 triệu ngày so với năm 2001, tập trung tại Đồng bằng sông Hồng và Nam Trung Bộ.
Tuy nhiên, trong khi mức độ phơi nhiễm và tính nhạy cảm cao, năng lực thích ứng ở Việt Nam lại còn hạn chế. Chị chỉ ra sự thiếu hụt dữ liệu dài hạn, thiếu phân tích tác động kép và khoảng trống trong đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp.
Từ đó, nữ tiến sĩ đề xuất cần chuẩn hóa phương pháp đo lường, chia sẻ dữ liệu liên ngành và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm gắn với bản đồ rủi ro nắng nóng theo vùng.
Bản sao số hỗ trợ quy hoạch thành phố xanh
Đến với phiên thảo luận, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Doanh, giảng viên Trường Đại học VinUni, mang đến một hướng tiếp cận mang tính công nghệ và tương lai hơn: ứng dụng bản sao số (digital twin) trong quy hoạch đô thị. Đây là mô hình không gian ảo mô phỏng cấu trúc vật lý, vận hành và các tương tác trong đô thị thực.
Với hệ thống dữ liệu đa lớp và có thể cập nhật theo thời gian thực, công nghệ này cho phép thử nghiệm nhiều kịch bản như ngập lụt, tắc nghẽn giao thông, khủng hoảng năng lượng hoặc quản lý môi trường, trước khi thực hiện ngoài đời thực. Tuy nhiên, để công nghệ này phát huy hiệu quả, cần giải quyết các thách thức liên quan đến chất lượng dữ liệu, chuẩn hóa hạ tầng số, chi phí triển khai và đào tạo nhân lực.
Tiến sĩ cho rằng, trong 5 năm tới, quá trình chuyển đổi số nhanh chóng tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội để tích hợp bản sao số vào công tác quy hoạch và vận hành đô thị. Anh kêu gọi cộng đồng trí thức trẻ cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái công nghệ, liên kết dữ liệu liên ngành nhằm hướng tới các thành phố linh hoạt, xanh và thích ứng tốt hơn trước biến đổi khí hậu.
Biến đổi toàn cầu đang âm thầm định hình lại cách vận hành của nhiều lĩnh vực, từ đời sống đến chính sách phát triển. Trong bối cảnh đó, các tham luận tại nhóm nội dung số 3 phản ánh nỗ lực của giới trí thức trẻ Việt Nam trong việc tìm kiếm những giải pháp thích ứng phù hợp với thực tiễn trong nước.
Các đại biểu đã đặt vấn đề từ chính đặc điểm lịch sử, xã hội và hạ tầng của Việt Nam, cho thấy tư duy liên ngành đang dần trở thành chìa khóa cho phát triển bền vững.