Yêu thật sự là khi bạn muốn người ấy hạnh phúc, kể cả khi không ở bên bạn chứ không phải cố kiểm soát, chiếm hữu và biến họ thành của riêng.
Nhà tâm lý học April Eldemire, chuyên về các vấn đề hôn nhân và các cặp đôi (Mỹ) cho rằng tình yêu lâu dài được xây dựng từ sự gắn kết vững vàng, bền bỉ với một người đã dần trở thành một phần trong cuộc sống của bạn.
Ranh giới mỏng manh mà teen dễ nhầm lẫn
Tuổi mới lớn là giai đoạn con tim bắt đầu biết rung động, nhưng cũng là lúc các bạn trẻ dễ rơi vào những kiểu yêu sai cách. Một trong những ngộ nhận phổ biến nhất là đánh đồng tình yêu với sự chiếm hữu.
Nhiều bạn trẻ cho rằng yêu là phải “biết hết”, “giữ thật chặt”, “không để ai khác đến gần người ấy”, thậm chí là kiểm soát mạng xã hội, giận dỗi vì một tin nhắn, cấm đoán chuyện kết bạn… Nhưng thực tế, những hành vi ấy lại là biểu hiện của sự chiếm hữu, không phải của tình yêu đích thực.
Tình yêu đích thực là gì?
Minh Thư (16 tuổi, học sinh lớp 11, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Em từng nghĩ đó là tình yêu chân thành cho đến khi em sợ cả tiếng chuông tin nhắn của bạn trai”.
Minh Thư quen Tuấn là bạn học lớp trên cùng trường vào đầu năm lớp 10. Tuấn gây ấn tượng với sự chững chạc, hay hỏi han, quan tâm từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của Thư. Ban đầu, cô tin rằng mình gặp được “người đặc biệt”. Nhưng tình yêu ấy sớm bộc lộ nhiều dấu hiệu khiến Thư ngột ngạt và bất an khi nửa kia yêu cầu cô xóa hết bạn nam trong danh sách Facebook và Zalo, kể cả bạn cùng lớp hay anh họ.
Một mối quan hệ lành mạnh không khiến bạn cảm thấy ngột ngạt, lo lắng mỗi khi đối phương trò chuyện với người khác, không khiến bạn phải giấu giếm, kiểm soát hay đánh đổi chính mình để giữ người kia.
Dấu hiệu nhận biết sự chiếm hữu độc hại:
- Kiểm soát bạn bè, mạng xã hội, thời gian cá nhân
- Ghen tuông thái quá, không có lý do rõ ràng
- Luôn muốn người ấy chỉ dành thời gian cho mình
- Làm mình làm mẩy nếu không được ưu tiên tuyệt đối
- Thường xuyên ép buộc hoặc thao túng cảm xúc đối phương
Những dấu hiệu này tưởng chừng là “yêu quá mức”, nhưng thực chất lại tạo áp lực, khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt và mối quan hệ ngày càng mệt mỏi.
Yêu là tôn trọng và tự nguyện
Nếu bạn thật lòng yêu một ai đó, bạn sẽ không cần “giam cầm” họ trong những quy tắc khắt khe, mà sẵn sàng cho họ sự tự do, sự tin tưởng và động lực để phát triển bản thân. Bạn không cố thay đổi người ấy theo mong muốn của mình, mà đồng hành để cùng nhau trưởng thành.
Ngược lại, sự chiếm hữu xuất phát từ nỗi sợ hãi mất mát và thiếu tự tin, khiến người trong cuộc luôn phải kiểm tra, khẳng định, trói buộc và áp đặt.
Lời khuyên dành cho teen: Yêu đúng cách từ sớm
- Tự hỏi bản thân: Mình yêu người ấy vì chính con người họ, hay vì mình cần họ làm mình cảm thấy an toàn?
- Giữ ranh giới cá nhân: Mỗi người đều cần không gian riêng, dù đang yêu.
- Giao tiếp cởi mở: Thay vì suy đoán, hãy trò chuyện chân thành khi thấy không an tâm.
- Yêu bằng sự tôn trọng: Không kiểm soát, không bắt buộc thay đổi, không dùng cảm xúc để điều khiển nhau.
Tình yêu đích thực không bao giờ làm bạn mệt mỏi vì lo giữ người ấy, cũng không khiến người kia cảm thấy bị trói buộc. Yêu là hành trình hai người cùng lớn lên, cùng học cách trưởng thành và hạnh phúc không phải là cuộc chiến để “sở hữu” người khác.
Các teen hãy yêu bằng sự chân thành, tử tế và hiểu biết để những mối tình đầu đời không trở thành vết thương, mà là bài học đẹp cho tương lai.