Kể từ ngày 1/7, sau khi Việt Nam chính thức sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, nhiều ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành sẽ không còn phù hợp.
Trước thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã lên kế hoạch điều chỉnh chương trình học và tiến hành chỉnh sửa SGK nhằm cập nhật theo địa giới hành chính mới.
Hiện nay, hệ thống giáo dục phổ thông đang sử dụng ba bộ sách giáo khoa đến từ ba nhà xuất bản: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Các bộ sách này phục vụ giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12.
Nhiều nội dung trong các SGK, đặc biệt là môn Lịch sử và Địa lý, cần được chỉnh sửa đáng kể để phản ánh đúng thực tế sau khi Việt Nam chỉ còn 34 tỉnh, thành.
Sự thay đổi lớn về địa giới cũng dẫn đến điều chỉnh đáng kể trong số liệu diện tích và dân số các địa phương. Ví dụ, TP.HCM trước sáp nhập có diện tích hơn 2.000 km², nay đã tăng lên gần 6.800 km²; dân số cũng tăng từ hơn 9 triệu người (theo số liệu từ Sở Y tế TP.HCM tính đến cuối năm 2024) lên trên 14 triệu người. Các địa danh quen thuộc như Lũng Cú, Đồng Văn (Hà Giang) cũng sẽ được cập nhật theo địa danh hành chính mới.
Chia sẻ trên báo Dân trí, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập, thành viên Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các bộ phận liên quan, bao gồm các đơn vị thành viên và Ban biên tập, khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê toàn bộ nội dung sách giáo khoa có liên quan đến yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi địa giới hành chính và mô hình chính quyền hai cấp. Kết quả tổng hợp sẽ được gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến chỉ đạo nhằm tiến hành chỉnh sửa kịp thời.
“Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành các nội dung điều chỉnh và cập nhật trong chương trình một số môn học, như đã thông báo vào ngày 14/6 vừa qua, NXBGDVN sẽ triển khai việc sửa đổi sách giáo khoa và trình Bộ thẩm định, phê duyệt theo đúng quy trình quy định”, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng thông tin thêm.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết, việc chỉnh sửa sách giáo khoa sẽ tuân thủ nguyên tắc bám sát các nội dung cốt lõi như yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế – xã hội… Việc cập nhật sẽ được thực hiện một cách thận trọng, với mục tiêu hạn chế tối đa sự thay đổi về mặt nội dung trong SGK.
“Trong khi chờ các bản SGK được điều chỉnh, cập nhật theo địa giới hành chính và mô hình chính quyền hai cấp, theo chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, giáo viên và học sinh vẫn sẽ tiếp tục sử dụng SGK hiện hành. Bộ sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể để các nhà trường và giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh ngữ liệu, nội dung bài giảng, cũng như chủ đề dạy học sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và cấu trúc chính quyền mới”, ông Tùng cho biết.
Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cũng nhấn mạnh, đơn vị sẽ đồng hành cùng giáo viên và các cơ sở giáo dục trong việc sử dụng hiệu quả SGK hiện hành, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết thêm, hiện SGK phục vụ cho năm học 2025-2026 đang được in và nhập kho để cung cấp cho các nhà trường. Dự kiến khoảng tháng 7 này, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu SGK cho học sinh và giáo viên trong năm học mới.