PGS.TS Đoàn Văn Trường: “Tôi muốn đưa khoa học về gần đời sống nhân dân vùng cao”

Liễu Mộc

Phóng viên

Không chọn ánh hào quang nơi giảng đường hay những cơ hội phát triển ở đô thị lớn, PGS.TS Đoàn Văn Trường đã quyết định rẽ lối, tình nguyện về vùng cao công tác, mang tri thức phục vụ cộng đồng.

Đầu tháng 7/2025, PGS.TS Đoàn Văn Trường được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi (trước thuộc huyện Mường Lát, Thanh Hóa), một trong những xã đặc biệt khó khăn của cả nước. Trước đó, anh là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa và đã có nhiều dấu ấn trong công tác thanh niên.

Sắp tới, PGS.TS Đoàn Văn Trường là một trong những trí thức trẻ tiêu biểu được vinh danh tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI. Đây là  một sự ghi nhận xứng đáng cho hành trình dấn thân, mang tri thức phục vụ cộng đồng của anh.

PGS.TS Đoàn Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Đoàn Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi (Ảnh: NVCC)

Từ chàng trai nghèo xứ Thanh đến Phó Giáo sư ở tuổi 33 

PGS.TS Đoàn Văn Trường sinh năm 1989 tại xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, một vùng quê thuần nông, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng. Sinh ra trong gia đình có ba chị em, từ nhỏ, Trường đã sớm ý thức rằng chỉ có con đường học tập nghiêm túc mới có thể thay đổi tương lai.

Vượt qua nhiều khó khăn, anh đã không ngừng nỗ lực học tập và phấn đấu, rồi từng bước khẳng định mình trong cả lĩnh vực học thuật lẫn công tác đoàn thể.

Năm 2008, Đoàn Văn Trường trúng tuyển vào ngành Xã hội học, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế. Trong những năm tháng sinh viên, bên cạnh việc chăm chỉ học tập, anh còn đi làm gia sư để trang trải cuộc sống và giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Tốt nghiệp cử nhân ngành Xã hội học loại Giỏi vào năm 2012, Trường quyết định trở về quê hương công tác tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa với mong muốn đóng góp cho mảnh đất đã nuôi dưỡng mình trưởng thành. Tại đây, được sự định hướng và tạo điều kiện của nhà trường, anh được cử đi học nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Năm 2018, Đoàn Văn Trường bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Xã hội học với hướng nghiên cứu về dân số, tập trung vào chủ đề di cư lao động. Anh từng có nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trước khi được tín nhiệm tham gia lãnh đạo Tỉnh đoàn và bây giờ là Bí thư xã Pù Nhi.

Năm 2022, Đoàn Văn Trường được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh PGS ở tuổi 33. Tại thời điểm đó, anh được ghi nhận là Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam.

PGS.TS Đoàn Văn Trường đã công bố 31 bài báo khoa học, trong đó có 8 bài quốc tế thuộc các hệ thống uy tín ISI (cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học tại Hoa Kỳ) và Scopus (cơ sở dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan), xuất bản 4 sách chuyên khảo về xã hội học dân số, di cư lao động, xã hội học gia đình và giới.

Đồng thời, anh là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp tỉnh và từng được vinh danh là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương” trong hai năm liên tiếp 2020 và 2022.

PGS.TS Đoàn Văn Trường tham gia hội thảo khoa học  (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Đoàn Văn Trường tham gia hội thảo khoa học  (Ảnh: NVCC)

Xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), nơi PGS.TS Đoàn Văn Trường được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy, là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn hàng đầu của cả nước, với 95% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ về quyết định rẽ hướng từ học thuật sang chính trị cơ sở, PGS.TS Đoàn Văn Trường cho biết, bản thân luôn trân trọng con đường nghiên cứu khoa học và những cơ hội quốc tế mà mình từng có. Tuy nhiên, chính từ những trải nghiệm ấy, anh nhận ra rằng, tri thức chỉ thật sự có ý nghĩa khi được đem về phục vụ cộng đồng, đặc biệt là những vùng còn nhiều thiếu thốn như xã Pù Nhi.

“Tôi chọn con đường công tác Đoàn và chính trị cơ sở không phải để từ bỏ khoa học, mà để đưa khoa học đến gần hơn với đời sống nhân dân. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là lý tưởng của tôi, góp phần xây dựng nông thôn mới, củng cố lòng dân và khơi dậy khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ vùng cao”, anh Trường khẳng định.

PGS.TS Đoàn Văn Trường thăm và lắng nghe ý kiến của Ban quản lý và bà con nhân dân tại bản Hua Pù (Ảnh: NVCC)
PGS.TS Đoàn Văn Trường thăm và lắng nghe ý kiến của Ban quản lý và bà con nhân dân tại bản Hua Pù (Ảnh: NVCC)

Kế hoạch đưa chuyển đổi số đến từng bản làng vùng cao

Nhiều người trẻ chọn thành phố lớn, nơi có điều kiện phát triển năng động và hiện đại. Nhưng với PGS.TS Đoàn Văn Trường, hành trình lại bắt đầu từ vùng cao, nơi còn nhiều gian khó, thiếu thốn. Anh đảm nhận vai trò Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi, một xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa.

Chia sẻ về quyết định của mình, anh nói: “Tôi hoàn toàn hiểu và trân trọng lựa chọn của nhiều trí thức trẻ khi tìm kiếm môi trường phát triển ở đô thị. Nhưng với tôi, sự trưởng thành không chỉ đến từ nơi phồn hoa, mà còn từ những vùng đất cần mình nhất. Về vùng cao, về với nơi khó khăn nhất như Pù Nhi, là bước đi về phía trước với một sứ mệnh lớn hơn”.

Ngay sau khi được chỉ định làm Bí thư xã Pù Nhi, PGS.TS Đoàn Văn Trường đã bắt tay vào việc, không chờ đợi, không lý thuyết suông. Anh cùng tập thể rà soát lại các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập trung vào các mục tiêu như giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục và y tế cơ sở.

Một nhiệm vụ được anh ưu tiên là đẩy mạnh chuyển đổi số tại địa phương, nơi người dân vẫn còn hạn chế trong tiếp cận công nghệ hiện đại. 

Bên cạnh đó, anh cũng chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở gương mẫu, gần dân, nói ít làm nhiều để tạo dựng niềm tin và thúc đẩy sự chuyển mình từ bên trong cộng đồng.

“Là người trẻ, tôi nhận thức rõ chuyển đổi số là cơ hội để vùng cao rút ngắn khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, để chuyển đổi số hiệu quả tại Pù Nhi, nơi người dân còn hạn chế về công nghệ, tôi xác định cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Kế hoạch đầu tiên là tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, dịch vụ công trực tuyến cho cán bộ và người dân. Đồng thời, kiến nghị đầu tư hạ tầng viễn thông, phủ sóng internet đến các bản xa. Quan trọng nhất là tạo niềm tin và sự đồng hành của người dân”, PGS.TS Đoàn Văn Trường cho biết.

Sắp tới, PGS.TS Đoàn Văn Trường là một trong những người trẻ tham gia “Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI”

“Với tôi, đây không chỉ là niềm vinh dự, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm và sứ mệnh. Trong hành trang của người trí thức trẻ hôm nay, trước hết cần có tư duy đổi mới, sẵn sàng thích ứng với thời đại số và hội nhập quốc tế”, anh Trường chia sẻ.

PGS.TS Đoàn Văn Trường tham gia công tác đoàn (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Đoàn Văn Trường tham gia công tác đoàn (Ảnh: NVCC)

PGS.TS Đoàn Văn Trường cho biết thêm, bên cạnh tri thức chuyên môn, điều không thể thiếu là tấm lòng với quê hương đất nước, tinh thần dấn thân và khát vọng cống hiến vì cộng đồng. Người trí thức trẻ không nên chỉ đứng trong giảng đường hay phòng thí nghiệm, mà cần bước ra thực tiễn, đồng hành cùng nhân dân. Cần mang theo lòng kiên định trước khó khăn, sự khiêm nhường khi thành công và khát vọng kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.

Gửi lời đến những người trẻ đang sống và làm việc ở những vùng khó khăn, PGS.TS Đoàn Văn Trường nhắn nhủ:

Hãy tin vào giá trị của chính mình và đừng bao giờ xem hoàn cảnh là giới hạn. Mỗi thử thách là một cơ hội để rèn luyện ý chí, hun đúc bản lĩnh và khơi dậy khát vọng vươn lên”.

Theo anh, dù đến từ đâu, nếu mang trong mình tri thức, nghị lực và tình yêu quê hương, mỗi người đều có thể tạo nên sự thay đổi tích cực.

“Đừng chờ điều kiện đủ, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Hãy dám ước mơ và kiên trì theo đuổi bằng hành động cụ thể mỗi ngày. Tổ quốc luôn cần và trân trọng những người trẻ biết dấn thân vì cộng đồng, vì tương lai đất nước”, PGS.TS Đoàn Văn Trường nói.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất