Báo của tuổi Teen

Nóng: TP.HCM chốt thời gian đi học trở lại của học sinh, sinh viên

Chiều ngày 28/4, UBND TP.HCM đã ký văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc cho học sinh tất cả các cấp đi học trở lại.

Ngày 28/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký quyết định chấp thuận đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM về việc cho học sinh quay lại trường từ ngày 4/5.

Theo đó, học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp có thời gian nhập học bắt đầu từ ngày 4/5. Việc đi học lại được phân bổ theo từng khối, lớp, không tập trung đồng loạt. Đặc biệt trong buổi học đầu tiên, các trường không tổ chức giảng dạy mà chỉ thực hiện kiểm tra, khai báo y tế.

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng quán triệt các Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các quận, huyện cần hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục (kể cả trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học…) thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19.

Đối với các cơ sở mầm non công lập, ngoài công lập, nhóm trẻ, UBND các quận, huyện cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra phòng dịch trước khi trẻ đi học lại.

Tất cả học sinh, sinh viên các cấp ở TP.HCM đi học trở lại từ ngày 4/5. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa ra quyết định về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Bộ tiêu chí đánh giá có 10 tiêu chí thành phần (mỗi tiêu chí thành phần tối đa 10 điểm – mức điểm an toàn cao nhất) áp dụng riêng cho các cơ sở giáo dục mầm non và các cơ sở giáo dục phổ thông.

Các tiêu chí thành phần như: số lượng; mật độ; khoảng cách trẻ, giáo viên, cán bộ, nhân viên; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn; đeo khẩu trang trong trường; kiểm tra nhiệt độ; tổ chức đi học bằng xe đưa rước; tổ chức hoạt động ăn sáng, bán trú; phòng cách ly đúng quy định và hoạt động sau 16 giờ 30 phút. 

Với công thức tính Tiêu chí an toàn (TCAT) bằng tổng điểm các tiêu chí thành phần. Nếu tổng điểm từ 90% đến 100%, được xếp loại mức độ an toàn rất cao, được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Nếu tổng điểm từ 70% đến dưới 90%, được xếp loại mức độ an toàn cao, được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí thành phần thấp điểm.

Nếu tổng điểm từ 50% đến dưới 70%, được xếp loại mức độ an toàn trung bình, có thể tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ nhưng phải thường xuyên kiểm tra để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí thành phần thấp điểm.

Nếu tổng điểm từ 30% đến dưới 50%, được xếp vào nhóm mức độ an toàn thấp, phải có giải pháp đảm bảo an toàn mới được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Còn nếu tổng điểm chỉ đạt dưới 30%, tức thuộc nhóm có mức độ an toàn rất thấp, thì không được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Dự kiến, bộ tiêu chí sẽ được áp dụng trong trường hợp thành phố vẫn có người bị nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm ít.

Nguồn Tổ Quốc