Những dấu hiệu cảnh báo một mối quan hệ độc hại ở tuổi teen

Thiên Di

Phóng viên

Nhiều bạn trẻ tuổi teen đang vô tình mắc kẹt trong những mối quan hệ tình cảm độc hại mà không nhận ra, dẫn đến tổn thương tâm lý và đánh mất chính mình.

Không phải mối quan hệ nào ở tuổi học trò cũng trong sáng và tích cực. Có những tình cảm tưởng như “yêu chân thành” nhưng lại khiến người trong cuộc mệt mỏi, lo lắng, thậm chí tổn thương tâm lý. Làm sao để nhận ra một mối quan hệ tuổi teen đang trở nên độc hại?

Chia sẻ trên Vnexpress, chuyên gia Quyền trẻ em Phí Mai Chi cho hay: “Ở tuổi teen, trẻ có xu hướng rời xa ảnh hưởng của cha mẹ bằng cách không làm theo hoặc làm ngược lại để cảm nhận “cái tôi” một cách độc lập hơn, từ đó xây dựng các giá trị riêng của mình.

Khi trẻ “học yêu”, cha mẹ có xu hướng kiểm soát và ngày càng nâng cao mức độ. Trẻ tuổi teen có xu hướng đối kháng với cha mẹ, đặc biệt là ở các gia đình có cha mẹ bất hòa, việc tạo lập mối quan hệ “tình cảm cặp đôi” thường giúp giải thoát sự căng thẳng và rất thu hút trẻ.

Khi đó, trẻ có nhu cầu học hỏi, thử nghiệm hoặc là sửa chữa các sai lầm trong mối quan hệ gia đình một cách vô thức”.

Empty

Mối quan hệ độc hại là gì và vì sao tuổi teen dễ rơi vào?

Một mối quan hệ độc hại (toxic relationship) là mối quan hệ mà trong đó một hoặc cả hai người liên tục cảm thấy lo âu, bị kiểm soát, bị tổn thương hoặc mất tự do. Dù không nhất thiết phải có hành vi bạo lực, nhưng những tổn thương tinh thần cũng đủ khiến người trong cuộc kiệt sức.

Với tuổi teen, khi cảm xúc phát triển mạnh nhưng kỹ năng kiểm soát còn non nớt, các bạn trẻ dễ “lao vào yêu” một cách mãnh liệt, thiếu tỉnh táo. Khi yêu sai cách, thay vì cảm thấy an toàn, các bạn lại sống trong áp lực, ghen tuông, lệ thuộc và cả sợ hãi.

Empty

Những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng không nên bỏ qua

Kiểm soát quá mức và thiếu tôn trọng ranh giới. Người yêu muốn bạn báo cáo từng việc bạn làm, đi đâu, với ai, thậm chí đòi kiểm tra tin nhắn, mạng xã hội, mật khẩu cá nhân. Đây là dấu hiệu rõ ràng của tính chiếm hữu độc hại, không phải yêu thương. Thường xuyên dùng lời lẽ tổn thương hoặc đe dọa cảm xúc

Họ nói những câu như: “Nếu em không nghe lời, anh sẽ biến mất luôn”, “Chỉ có anh mới yêu em, không ai khác đâu”. Đây là hình thức điều khiển cảm xúc, thao túng bằng sự sợ hãi.

Bạn cảm thấy lo âu, mệt mỏi hoặc sợ nói ra cảm xúc thật. Nếu một mối quan hệ khiến bạn luôn phải dè chừng, sợ người kia giận, không dám thể hiện chính kiến thì đó không còn là tình yêu lành mạnh.

Bị cô lập khỏi bạn bè, gia đình. Người ấy nói xấu hoặc gây mâu thuẫn giữa bạn với bạn bè thân thiết, khuyến khích bạn cắt đứt các mối quan hệ xã hội vì “chỉ cần có nhau là đủ”. Đây là dấu hiệu của sự cô lập và phụ thuộc không lành mạnh, dễ khiến bạn rơi vào trạng thái “chỉ còn người yêu là tất cả”.

Lúc ngọt ngào, lúc lạnh lùng khiến bạn cảm xúc thất thường. Nếu họ thường yêu, giận thất thường, hôm nay quan tâm nồng nhiệt hoặc mai lạnh lùng khó hiểu… bạn sẽ dần mất kiểm soát cảm xúc, luôn tự trách mình. Đây là biểu hiện của một người thiếu trách nhiệm tình cảm và dễ thao túng tâm lý.

Empty

Làm gì khi nhận ra mối quan hệ của mình đang không ổn?

Lắng nghe bản thân: Cảm xúc không biết nói dối, nếu bạn cảm thấy bất an, mệt mỏi khi ở trong một mối quan hệ, đừng phớt lờ.

Trao đổi thẳng thắn: Hãy nói rõ những giới hạn và cảm xúc của mình nếu người ấy không tôn trọng, đó là tín hiệu xấu.

Tìm người lớn đáng tin để chia sẻ: Cha mẹ, anh chị, hoặc thầy cô, chuyên gia tâm lý học đường có thể giúp bạn nhìn rõ hơn và đưa ra quyết định đúng.

Biết buông đúng lúc: Một mối quan hệ tốt là khi bạn được là chính mình, cảm thấy bình yên, nếu không có điều đó, hãy đủ bản lĩnh rời đi.

Tình yêu tuổi mới lớn có thể rất đẹp, nhưng chỉ khi nó mang lại cho bạn niềm vui, sự phát triển và cảm giác được tôn trọng.

Nếu bạn đang trong một mối quan hệ khiến bạn luôn lo âu, căng thẳng, hoặc bị tổn thương lòng tự trọng thì hãy dừng lại. Bởi không có tình yêu nào xứng đáng đánh đổi sự bình yên và giá trị bản thân của bạn.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất