Xuôi theo dòng nước, trong tầm mắt tôi suốt hải trình của du thuyền Victoria Mekong Cruise luôn là hình ảnh những nhánh sông, nhịp cầu lắt lẻo, chiếc vỏ lãi chở nông sản, cuộc sống yên bình của người dân vùng ven các con kênh. Đến mỗi trạm dừng chân, tôi đều thấy lòng mình quyến luyến không nỡ rời.
Tôi được kể rằng miền Tây là xứ được thiên nhiên ưu đãi nhưng khi tận mắt chứng kiến thì tôi vẫn ngạc nhiên trước vẻ đẹp ấy. Dù đã qua tháng Mười Âm lịch, con nước ở những kênh rạch vẫn chứa chan, ngày đêm đổ về các nhánh dẫn ra sông lớn, hơi nước hòa vào từng làn gió mát rười rượi làm giảm đi cái gay gắt của nắng. Với một người từng kinh qua nét đỏng đảnh của thời tiết miền Bắc, sức nóng thiêu đốt da thịt trên vùng đất ở miền Trung, tôi lại càng yêu mến sự dịu dàng mà không khí của miệt Tây Nam Bộ mang lại.
Xuất phát từ Cần Thơ dọc theo sông Hậu qua Long Xuyên rồi đến Châu Đốc, chuỗi ngày thú vị của tôi trên chiếc du thuyền vi vu miền Tây là một trải nghiệm thật khó tả. Lần đầu tiên tôi được ngắm cung đường bộ từ giữa sông lớn thay vì chạy xe ven bờ để ngắm nhìn khung cảnh ghe tàu tấp nập xa ngoài khơi. Thoát ly khỏi xô bồ của phố thị, tâm hồn tôi thư thái để cảm nhận vẻ đẹp thuần túy vùng sông nước. Đến giờ tôi mới hiểu vì sao du khách nước ngoài đến đây lại thích di chuyển bằng du thuyền đến thế, cái thú nghỉ dưỡng đậm chất phiêu lưu này quả thực rất dễ gây nghiện.
Căn phòng của tôi nằm ở tầng 1 của du thuyền. Điểm mà tôi thích nhất chính là khu vực ban công riêng. Bất cứ khi nào trong ngày, tôi đều có thể bước ra đây để thỏa sức thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ của sông nước. Du thuyền trôi thật nhẹ nhàng, chậm rãi trên dòng Hậu giang, dường như mỗi khúc sông tôi đi qua đều như muốn kể một câu chuyện về xứ sở của mình. Còn nhớ trong bộ phim tài liệu “Mekong ký sự” của đạo diễn Phạm Khắc được ra mắt năm 2005, dòng sông Mekong càng trở nên nổi tiếng, thu hút sự chú ý của cả thế giới bởi sự kỳ vĩ và bề dày lịch sử, văn hóa. Sông Mekong thuộc nhóm những con sông dài nhất trên thế giới. Từ thượng nguồn ở Trung Quốc, sông xuôi dòng chảy qua các nước Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và đến Việt Nam thì được chia làm 2 sông chính là sông Tiền (Mekong) và sông Hậu (Bassac). Mỗi khu vực đi qua, con sông đều mang tên khác nhau. Ở Trung Quốc người ta gọi là Lan Thương, người Lào và Thái Lan gọi là sông Mẹ, còn riêng ở Việt Nam là dòng Cửu Long.
Cửu Long là cái tên Hán – Việt ví von 9 cửa sông như 9 con rồng dẫn nước hướng về biển Đông. Linh vật rồng (Long) đi với con số chín (Cửu) là biểu tượng cho mong cầu được tròn đầy, viên mãn của người dân thời xưa nên tên gọi Cửu Long cứ thế được ghi chép trong sử sách từ nghìn xưa. Có lẽ nhờ niềm tin bền bỉ với đất trời mà thiên nhiên nơi đây chưa từng phụ bạc người dân miền Tây. Mỗi năm hai mùa mưa nắng, người địa phương cần mẫn từ trồng trọt chăn nuôi đến đánh bắt cá tôm, hết mùa lúa chín vàng đồng thì mùa nước lên lại nối tiếp, mang khoáng sản tôm cá về chín nhánh sông hạ nguồn Mekong. Dẫu vất vả làm lụng quanh năm nhưng chất người ở đây rất vị tha, biết chia sẻ và yêu thương chớ không quá toan tính, hơn thua. Ngồi trên du thuyền, tôi ngắm nhìn ghe xuồng neo đậu san sát trên sông, những làng bè nuôi cá trải dài được xem như “căn nhà di động” của người dân miền Tây. Những tia nắng long lanh in lên mặt sông tròng trành khiến mọi thứ dường như trôi chậm lại. Dòng sông mùa này thật yên ả nhưng vẫn không kém phần hùng vĩ, huyền bí.
Giữa miền sông nước mênh mông, cuộc sống của người dân nhiều gian khó nhưng tinh thần lúc nào cũng no đủ, bởi được nuôi dưỡng từ những khúc dân ca, cải lương tân cổ giao duyên giàu nghĩa tình. Tôi chưa từng biết rằng thưởng thức nghệ thuật “Đờn Ca Tài Tử” ngay trên du thuyền lênh đênh trên sóng nước lại thú vị đến vậy. Âm thanh ghe xuồng ngoài xa hòa vào tiếng đàn bầu mộc mạc cùng những câu nói lối, lời kể theo giai điệu đong đầy thương mến trong những vở tuồng xưa cũ, “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…”. Mỗi câu hát có chữ “thương” của người miền Tây nghe sao mà bao dung và nhân hậu, nỗi niềm bật ra từ lời hát chạm đến trái tim du khách đường xa như tôi.
Tiếp tục xuôi về phía Nam, tôi đến với rừng tràm Trà Sư thuộc địa phận xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Có thể nói đây là niềm tự hào của du lịch xứ Bảy Núi nói riêng và khu vực miền Nam nói chung. Rừng tràm được ví von là khu rừng cổ tích của miền Tây Nam Bộ. Khu rừng ngập mơn mởn phủ sắc xanh mướt cả một vùng đất rộng lớn. Lớp bèo dày đặc che kín mặt nước như thảm cỏ mềm mại, chậm rãi rẽ đôi để lộ ra bề mặt nước đậm màu phù sa rồi khẽ khàng đan lại vào nhau, mỗi khi xuồng chở du khách tham quan lướt qua. Chớp mắt, tôi đã thấy mình lọt thỏm dưới vòm những cây tràm, tạm quên đi nhịp sống hối hả của người con nơi phố thị để lòng bình yên giữa không gian xanh mát trong lành ấy.
Tiếng mái chèo đều đặn khua nước như một loại “tiếng ồn trắng” cuốn trôi đi mọi căng thẳng, để lại trong không gian là giọng nói trìu mến và hào sảng của cô lái xuồng đã hơn mươi năm bám trụ trên mương rạch vùng Bảy Núi. Đoàn của tôi cứ như bị vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây thôi miên, quên mất khái niệm về thời gian cho đến khi thấy ánh hoàng hôn rực rỡ hiện ra trên mặt nước mới biết đã đến buổi chiều tà. Giống như đàn chim cò lũ lượt bay về tổ, tôi cũng đang hướng về lại du thuyền nhưng không quên ngoảnh đầu nhìn cánh rừng tràm lần nữa: Hẹn gặp lại!
Khi vẫn còn lâng lâng nhiều cảm xúc thì hành trình ngược dòng Mekong 3 ngày 2 đêm đã sắp kết thúc. Đến lúc chuẩn bị đồ trở về Sài Gòn, bất giác ngó các bến đò qua ban công du thuyền, tôi mới sực nhớ mình chưa kịp ghé thăm Chợ Nổi, ngắm nhìn khung cảnh nhộn nhịp từ sáng sớm với thuyền ghe đầy ắp các loại cây trái neo dọc theo bờ sông. Nỗi lưu luyến với miệt sông nước mỗi chuyến đi mỗi khác. Đi rồi mới thấy, dòng Mekong không chỉ mang phù sa cho đồng ruộng đôi bờ, vun vén cuộc sống mưu sinh của người dân Nam Bộ mà còn bồi đắp nhiều nghĩa tình trong lòng người lữ khách. Bất kỳ ai từng đến cũng không nỡ rời xa, cũng trót thương nhớ rồi hẹn ngày trở lại, để nghe tiếng thuyền máy chạy, đón gió mát lành, say sưa nghe cô lái đò kể chuyện bán buôn với nụ cười chất phác luôn hiện hữu trên môi. Một miền Tây rất đỗi bình dị mà thân thuộc đến lạ thường.
Bài: Trang Bùi
Ảnh: Joseph Vũ
– Theo HAHALOLO – Ấn phẩm Du lịch, Giải trí và Đời sống