“Người ấy” là crush chung của cả nhóm: Tình bạn hay tình yêu quan trọng hơn?

Thiên Di

Phóng viên

Cùng thích một người là chuyện rất thường gặp ở tuổi teen nhưng ứng xử ra sao để không đánh đổi tình bạn vì một crush thì không phải ai cũng làm được.

Ở tuổi teen, chuyện rung động trước một người là điều tự nhiên và rất dễ xảy ra. Nhưng sẽ ra sao nếu “người ấy” lại là crush chung của cả nhóm bạn thân?

Lúc này, câu hỏi không chỉ là “có nên nói ra hay không?”, mà còn là: “Nên giữ tình bạn hay theo đuổi tình cảm?”. Câu chuyện tưởng chừng chỉ là những rung rinh tuổi mới lớn, nhưng lại có thể trở thành “phép thử” cho cả mối quan hệ bạn bè lẫn cách teen đối diện với cảm xúc của chính mình.

Theo chuyên gia Phí Mai Chi – người có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Chính sách và Quyền trẻ em chia sẻ trên VnExpress: “Việc “học yêu” là điều quan trọng trong độ tuổi này, nếu không được hướng dẫn đúng cách các con bị chi phối và coi chuyện yêu quan trọng hơn cả việc học tập trên lớp. Thậm chí những sai lầm trong quá trình “học yêu” có thể ảnh hưởng đến cuộc đời về sau của trẻ”.

Empty

Tình huống “oái oăm” mà teen nào cũng có thể gặp

Không hẹn mà gặp, nhiều nhóm bạn thân bỗng một ngày phát hiện… cùng rung động trước một người. Đó có thể là bạn học chung lớp, một tiền bối trong trường, hay thậm chí là hot TikToker ở trường bên. Ban đầu chỉ là một vài câu nói đùa, những cái liếc mắt và chọc ghẹo nhau, nhưng đến khi nhận ra ai trong nhóm cũng thích người đó thật câu chuyện không còn đơn giản nữa.

Một vài nhóm chọn cách “tuyên bố bỏ cuộc vì tình bạn”, nhưng rồi trong lòng vẫn lấn cấn. Có nhóm thì âm thầm ganh tị, tránh mặt nhau hoặc rơi vào cảm giác cạnh tranh ngầm, gượng gạo. Có người chọn tỏ tình, người khác cố tỏ ra không quan tâm… và sau tất cả, nhóm bạn thân năm nào dần rạn nứt chỉ vì cùng thích một người chưa từng biết điều đó.

Empty

 Cảm xúc không sai, cách ứng xử mới quan trọng

Thích ai đó là điều tự nhiên, đặc biệt ở tuổi teen nơi cảm xúc đến rất nhanh và chẳng cần lý do. Việc cả nhóm cùng có cảm tình với một người cũng không phải là “tội lỗi” gì cả. Điều quan trọng nằm ở cách bạn đối diện với cảm xúc của mình và cư xử với những người bạn đang cùng chia sẻ cảm xúc đó.

Thay vì “giấu nhẹm” hoặc âm thầm cạnh tranh, nhiều teen đã chọn cách thẳng thắn chia sẻ với nhau, thậm chí cùng “tuyên bố” thích nhưng không giành giật. Có nhóm bạn rủ nhau “chuyển hướng”, giữ lại sự đồng cảm thay vì hơn thua, vì với họ: người ấy có thể chỉ là thoáng qua nhưng bạn thân là người bên cạnh mình mỗi ngày.

Empty

Tình bạn và tình yêu, đâu là điều giữ lâu hơn?

Tình yêu tuổi học trò thường đẹp nhưng khó bền nhất là khi nó bắt đầu từ một cảm xúc bồng bột và thiếu hiểu nhau. Trong khi đó, tình bạn nếu biết vun đắp và tôn trọng lại là thứ có thể đi cùng mình rất lâu, rất xa. Thay vì đặt lên bàn cân “chọn ai?”, hãy hỏi: mình có thể giữ được cả hai, bằng sự tử tế và chân thành hay không?

Có những tình bạn từng đi qua một “crush chung” mà vẫn bền vững, bởi họ không để cảm xúc cá nhân làm hỏng sự gắn kết nhiều năm. Có những người từng bước qua sự ganh tị thầm lặng, để rồi sau này mỉm cười khi kể lại chuyện cũ: “Tụi mình từng cùng thích một người, nhưng cuối cùng, người ở lại vẫn là nhau”.

Chọn tình bạn không có nghĩa là bỏ rơi cảm xúc

Trong những lựa chọn khó khăn, đôi khi không cần phải hy sinh cái này để giữ cái kia mà là học cách trưởng thành từ chính cảm xúc của mình. Bạn có thể thích người đó, rung động thật sự, nhưng vẫn đủ bao dung để không làm tổn thương bạn bè, cũng không đánh mất chính mình vì ai đó chưa từng thuộc về bạn.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất