Muôn dặm về xứ Đông Bali

 Muôn dặm về xứ Đông Bali

Bali là nơi đầu tiên tôi muốn quay lại sau hai năm không được xuất ngoại. Tôi muốn đến một nơi vừa lạ vừa quen, vừa để khám phá vừa để chữa lành.


Lên núi

Ubud vừa chìm vào màn đêm khi tôi đến. Như thói quen, tôi xếp hành lý gọn nhẹ rồi thuê xe máy ở ngay sân bay để được tự do chạy trên đảo. Tôi luôn mê màu xanh ở đây, những phong tục thờ cúng và sự yên tĩnh giữa những đồi núi và ruộng bậc thang. Khu resort tôi chọn vì thế mà nằm sâu trong một ngôi làng hẻo lánh, rộng lớn ngay trên đỉnh đồi. Phòng có hướng nhìn ra khu rừng nhiệt đới với những cây dương xỉ cổ đại đẹp nao lòng. Hai ngày ở đây chỉ để nghe chim hót, cây cỏ rì rào, nghĩ về bản thân và tận hưởng hiện tại.

DSC01255 scaled

Đến ngày thứ ba, chia tay nơi yên bình ấy bằng một cơn mưa phùn lất phất, tôi tiếp tục ghé thăm chùa Gunung Kawi cách chỉ 10 phút chạy xe. Ngôi chùa và lăng mộ được xây dựng từ thế kỉ 11 nằm trong một thung lũng rất đẹp. Nơi đây vốn được chọn để chôn cất các vị vua, với 10 công trình khắc đá cao 7 mét ấn tượng và có dòng sông Pakerisan chảy qua. 

Quãng đường đến vùng cao nguyên Kintamani, tôi không ngừng nghĩ về ngọn núi lửa Batur mà mình sẽ đến chinh phục vào sáng ngày mai. Bất giác độ cao thay đổi, lớp sương mù phủ dày lên vườn quýt chín vàng, khung cảnh mờ ảo làm cho bụi hoa vạn thọ ven đường xen lẫn vào sắc vàng uy nghiêm của các ngôi đền dấy lên cảm giác lạ lẫm. Phía khu hồ tự nhiên Danau Batur vẫn xanh thẳm như thế suốt hàng vạn năm qua, từ thuở lòng sông được tạo nên sau đợt núi lửa phun trào. Nắng dần lên xuyên qua những lớp sương mù dày làm cho cảnh vật rực rỡ hơn bao giờ hết.

Tôi chọn ở một khu glamping nhìn về mặt hồ, chuẩn bị cho buổi leo núi hôm sau vào lúc 2 giờ sáng. Quả đúng như lo ngại, trời đầy sương mù. Tôi có hỏi trước người hướng dẫn của mình liệu có thể thấy bình minh trên đỉnh không? Cô ấy lần lữa rồi đáp lại rằng: “hên xui!”. Có lẽ họ không muốn làm mình thất vọng từ lúc khởi đầu. 

DSC02041 scaled

Đường leo núi không khó nhưng trơn trượt, vì cát núi lửa rất mịn. Trời còn tối, mọi người nương nhau trong từng bước đi, dựa vào thứ ánh sáng duy nhất từ chiếc đèn pin trên tay mà leo lên đỉnh. Đi một đoạn, người hướng dẫn dừng lại giữa đường để dâng lễ và cầu bình an với các tượng thần ở dọc đường. Tận mắt nhìn thấy người dân ở đây thể hiện niềm tin mãnh liệt vào thần linh, tôi chợt nghĩ có phải vì thế mà hòn đảo luôn được thiên nhiên bảo bọc và chở che, bình yên đi qua năm tháng.

DSC01818 scaled

Thật tiếc khi trời bắt đầu sáng nhưng sương vẫn dày nên không thể ngắm mặt trời mọc. Để khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng và lấy lại năng lượng, mọi người quây quần ăn sáng với món bánh pancake chuối do người hướng dẫn chuẩn bị sẵn. Cả đoàn quay trở ngược xuống chân núi dưới cơn mưa nhè nhẹ. Đường đi lúc này thậm chí còn khó hơn khi leo lên. Lớp cát đen lộ rõ, hệ thực vật không quá phong phú, hốc đá bốc khói mùi khí lưu huỳnh. Thỉnh thoảng tôi lại bị bọn khỉ trong rừng làm giật mình bởi tiếng sột soạt khi chúng chạy theo đoàn để xin ăn. Đến 10 giờ sáng thì tôi về đến phòng rồi đi đến quán cà phê trên đỉnh đồi. Trớ trêu thay, lúc này thì trời quang mây tạnh, đỉnh núi cả đoàn dày công chinh phục khi nãy cũng hiện rõ mồn một trong tầm mắt.

Xuống biển 

Hành trình di chuyển về cực Đông của Bali, biển Amed, cũng không kém phần ly kỳ. Vì tin tưởng vào hệ thống chỉ đường trên điện thoại mà tôi đã lạc vào ngõ cụt giữa con dốc rất cao. Gần hai tiếng đồng hồ vừa đi vừa hỏi người dân địa phương thì tôi mới tìm ra đường đúng. Hầu hết đường làng ở đây toàn đồi núi, dốc cheo leo, chạy xe hết ga vẫn ì ạch mới qua được. Sau lỗi lầm hồn nhiên trước đó, tôi lại tiếp bước vào con dốc gần như dựng đứng, đầy ổ voi ổ gà. Đối lập với các chướng ngại trên đường là vẻ đẹp của khu rừng lá kim thưa người qua lại, bãi biển dài hàng chục kilomet đầy mời gọi với màu xanh của trời và biển như tan vào nhau ở xa ngoài khơi.

DSC01912 scaled

Vùng biển Amed ít người ca tụng nhưng chớ xem thường nét đẹp của sự hoang sơ ấy. So với những bãi biển nổi tiếng mang thương hiệu Bali như Kuta, Canggu, Seminyak,… thì thiên nhiên ở đây trù phú hơn. Bạn có thể dành cả tuần ở đây chỉ để lặn ngắm san hô, lặn biển sâu, đi tàu, ra đảo, bay dù,… Đặc biệt, bờ cát đen mịn do gần núi lửa Agung cũng góp phần tạo nên nét đặc trưng cho Amed. Trước giờ, tôi chưa từng đến nơi nào chỉ cách bãi biển trong 15 mét trở lại mà hệ thực vật, động vật lại phong phú và đẹp đến vậy. 

Hoàng hôn trên đảo có sức quyến rũ lạ thường. Khi mặt trời dần khuất sau ngọn núi lửa, trong khoảnh khắc, mặt nước lặng như tờ. Từng đoàn du thuyền về lại bến đỗ sau ngày dài rong ruổi đưa du khách đi đó đây. Tôi chọn một ly cocktail ưa thích rồi thư giãn bên eo biển êm đềm, khi ánh sáng liên tục chuyển hồng cam tạo hiệu ứng như một nghiên màu nước trên mặt biển đầy mê hoặc. 

DSC01807 scaled

Tại Amed có nhà hàng Galanga nổi tiếng với thực đơn fusion thú vị. Được biết, cô chủ nhà hàng vốn là người Pháp, cưới anh ngư dân bản địa nên các món ăn tại đây cũng mang hương vị kết hợp giữa nền văn hóa ẩm thực Đông – Tây. Thực đơn ghi rõ các nhóm vegan, vegetarian, gluten-free,… đặc biệt ghi điểm với người ăn chay như tôi. Chỗ bàn tôi ngồi đặt trong khu vườn, xung quanh có nhiều túp lều mái lá. Phong cảnh giản dị nhưng hữu tình, thức ăn được trình bày đẹp mắt và đậm chất Bali khiến tôi không thể nào quên. 

Về làng

Dọc đường di chuyển về Sidemen, khu Karangasem là những làng quê mang nhiều nét văn hóa bản địa riêng biệt. Thứ nổi bật nhất vẫn là thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp xanh rì, bên cạnh là đền đài và người dân diện đồ truyền thống, quấn xà rông Batik màu sắc rực rỡ. Nếu là người thích chụp ảnh, bạn sẽ mê mệt với đỉnh đồi Lahangan Sweet. Chính tôi cũng bất ngờ vì ở ngoài đẹp hơn cả trong ảnh hàng nghìn lần, với tầm nhìn 360 độ hầu như không bị chắn bởi bất cứ thứ gì. Cảm tưởng như bản thân có thể ngồi đó, thả hồn ngắm mây, trời và biển giữa khoảng không rộng lớn cả ngày không chán.

DSC01635 scaledĐặc sản của Sidemen là những ngôi làng yên bình thơ mộng, được bao quanh bởi các ngọn núi cao. Resort tôi ở lần này có kiến trúc kiểu nhà gỗ truyền thống, cảm giác được sống như người Bali chính gốc, hòa vào nhịp sống hàng ngày của người địa phương. Mỗi chiều, lúc ánh nắng bớt gay gắt mà chỉ phớt nhẹ sắc vàng trên ngọn lúa là lúc cánh diều của bọn con nít trong làng bắt đầu bay cao. Đến khi bầu trời tối hẳn cũng là lúc con người nhường chỗ cho thanh âm tự nhiên. Đêm cứ thế trôi qua thật yên bình. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để hít lấy hít để không khí trong lành dễ chịu ấy, rồi thả bộ dọc làng. Người dân tất bật mang lễ đến chùa, phần thì kéo nhau ra ruộng thu hoạch tạo nên khung cảnh vô cùng nhộn nhịp. Tôi cứ men theo ruộng mà đi trong vô định, đôi chân ngẫu hứng dẫn lối tôi đến con sông chảy xiết rồi ngồi lại trên tảng đá để ngâm chân giữa dòng nước mát lạnh, thư thái một hồi lâu mới tìm đường về.

DSC01482 scaled

Bali về hướng Đông có ít thông tin du lịch và du khách. Đó là lý do chính tôi chọn cung đường vòng này để khám phá. Bạn sẽ tránh được đám đông, những sự thăm thú mang tính “chỉ-để-check-in” và những bãi biển khai thác du lịch hết công suất. Tôi tin mình sẽ còn quay lại phía Đông này, sẽ ở lâu hơn, tận hưởng dài ngày hơn và thấu hiểu vì sao nhiều thế kỷ nay người ta luôn gọi Bali là hòn đảo thiên đường.

Bài & ảnh: Trương Thanh Hải

– Theo HAHALOLO – Ấn phẩm Du lịch, Giải trí và Đời sống

teen1s.vn

Bài liên quan