Mua sắm online theo cảm xúc: Thói quen khiến người trẻ dễ rơi vào bẫy tài chính

Thiên Di

Phóng viên

Thói quen chi tiêu theo cảm xúc, “chốt đơn” online vô tội vạ đang khiến nhiều người trẻ chật vật giữa vòng xoáy tài chính bấp bênh.

Chốt đơn cho vui, cái giá phải trả là cả tháng ăn mì gói

Chỉ cần vài cú lướt trên mạng xã hội hay một cú click vào ứng dụng mua sắm, nhiều bạn trẻ đã “móc hầu bao” trong tích tắc cho những món đồ không thật sự cần thiết.

Vừa nhận lương, chưa kịp lập kế hoạch chi tiêu thì giỏ hàng đã đầy những chiếc váy “giống Lisa”, chiếc loa “trendy TikTok” hay bộ skincare theo “trend Hàn Quốc”.

Lan Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần buồn là mình lại lướt sàn thương mại điện tử. Có hôm đặt đến 5 – 6 món linh tinh như hộp đựng tăm, sticker, đèn ngủ… Tính ra cuối tháng cũng hơn 1 triệu. Nhìn thì rẻ, nhưng cộng lại là cả một vấn đề”.

Empty

Chi tiêu theo cảm xúc là căn bệnh tài chính phổ biến ở người trẻ

Dựa trên dữ liệu từ Techcombank và các ngân hàng thương mại khác tại Việt Nam, xu hướng nợ thẻ tín dụng quá hạn ở nhóm khách hàng dưới 30 tuổi thực sự gia tăng rõ rệt từ sau đại dịch COVID‑19, bắt đầu từ khoảng năm 2022 trở đi. Hệ quả là nhiều bạn trẻ đang chồng chất nợ phí phạt và lãi suất cao mà không nhận ra, do thiếu kỹ năng trong quản lý tài chính cá nhân.

Chia sẻ trên VOV, ông Thanh Minh – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tài chính cá nhân của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam VFCA cho hay: “Với những bạn trẻ đang có thói quen này, nó sẽ có một số hệ quả tâm lý phát sinh. Trong tương lai gần, họ sẽ bị nghiện và họ thông thường sẽ tìm cảm giác thỏa mãn trong cuộc sống bằng cách săn những chương trình đó.

Chúng ta đang thấy một cái xu hướng đó là các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn GenZ thường có xu hướng chỉ cần làm các công việc có mức thu nhập vừa phải, không cần quá cao. Họ cũng không cần cầu tiến. Giống một số bạn trẻ ở Hàn Quốc hay Trung Quốc ấy”.

Empty

Tâm lý “mua để xả stress”

Không ít người trẻ xem mua sắm như một cách giải tỏa tâm lý sau giờ làm căng thẳng hay những biến cố nhỏ trong cuộc sống.

Điều này không sai, nhưng trở thành nguy hiểm khi nó trở thành cơ chế mặc định mỗi khi buồn, mệt, thất bại, có thể kéo theo hệ lụy tài chính lâu dài.

Giải pháp nào để “cai” mua sắm cảm xúc?

Để thoát khỏi “bẫy chi tiêu cảm xúc”, người trẻ cần bắt đầu bằng việc thiết lập ngân sách cá nhân rõ ràng mỗi tháng, chia thành các nhóm cụ thể như chi tiêu thiết yếu, giải trí, tiết kiệm và dự phòng khẩn cấp. Điều này giúp kiểm soát dòng tiền và giới hạn rõ mức chi tối đa cho từng mục đích.

Ngoài ra, nên tập thói quen trì hoãn mua sắm ít nhất 24 giờ với những món hàng không thật sự cần thiết khoảng thời gian đủ để cân nhắc lý trí và tránh hành vi tiêu dùng bốc đồng. Một số biện pháp hỗ trợ như tắt thông báo ứng dụng mua sắm, giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cũng giúp giảm bớt kích thích từ quảng cáo.

Empty

Việc ghi chép lại các khoản chi tiêu mỗi ngày, dù lớn hay nhỏ cũng là cách để nhận diện thói quen xấu và điều chỉnh kịp thời.

Cuối cùng, người trẻ nên tìm những hoạt động lành mạnh thay thế cho thói quen “mua sắm để giải tỏa” như đọc sách, chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè hoặc viết nhật ký, vừa giúp cân bằng cảm xúc, vừa không làm hao hụt ví tiền một cách vô lý.

Trong thời đại số, mua sắm chưa bao giờ dễ dàng đến vậy nhưng cái giá của sự tiện lợi là sự đánh mất kiểm soát tài chính nếu không tỉnh táo.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất