Lụa Mã Châu & Những khung cửi đi qua hàng thế kỷ

 Lụa Mã Châu & Những khung cửi đi qua hàng thế kỷ

Điều mà nhà thiết kế Lê Thanh Hòa chia sẻ về lụa Mã Châu không chỉ mang nỗi niềm riêng của cha con bác Phương và chị Yến, đó còn là câu chuyện chung của người dân làng nghề, về một di sản văn hóa đang đứng bên bờ vực thất truyền.

Ngược dòng thời gian trở về thế kỷ XV

Thuở ấy ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có một địa danh nổi tiếng với cái tên mỹ miều “bến đò tơ”, nhờ sức hút của lụa Mã Châu – dòng lụa hảo hạng dành cho giới quý tộc và hoàng gia. Không chỉ được sử sách ghi nhận là loại chất liệu vương giả, lụa Mã Châu còn được khách quốc tế ưa chuộng nhất trong suốt thời kỳ Đàng Trong giao thương với nước ngoài qua cảng Hội An. Đến nay, làng nghề bên nhánh sông Thu Bồn ngày ấy chỉ còn khoảng trăm hộ dân gắn bó với nghề dệt. Trong đó, duy nhất Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu của chị Yến còn giữ được phương pháp truyền thống, sử dụng 100% tơ tằm tự nhiên. 

7908 1663241881
Hợp tác xã Tơ lụa Mã Châu của chị Yến sử dụng 100% tơ tằm tự nhiên. 

lua ma chau 56 scaled

Ngoài đẹp thì lụa Mã Châu còn có một ưu điểm khó tin, đó là khả năng bảo vệ sức khỏe cho người mặc. Bởi cả quá trình với hơn 20 công đoạn khác nhau, lụa được sản xuất một cách tự nhiên nhất, không sử dụng thuốc trừ sâu cho lá dâu dùng để nuôi tằm, không sử dụng keo hóa học để làm kết dính các sợi vải và không nhuộm bằng màu hóa học. Bầy tằm được nuôi trong môi trường xanh và sạch, nhờ thế nhả ra loại tơ có khả năng kháng độc tự nhiên, bảo vệ chúng khỏi tác hại môi trường. Điều kỳ diệu là những đặc tính đó vẫn được giữ nguyên khi tơ được dệt thành vải. Bên cạnh đó, lụa Mã Châu còn có ưu điểm chống mùi, chống khuẩn và thấm hút mồ hôi nhanh, khác hẳn với lụa được pha với polyester. 

Với tất cả vẻ đẹp thuần khiết và những đặc điểm ưu việt ấy, lụa Mã Châu đã lọt vào mắt xanh của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa. Anh lựa chọn loại chất liệu truyền thống này cho một phần đặc biệt của bộ sưu tập Thu Đông 2022 mang tên “An”, được ra mắt tại Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua. Bên lề show diễn, Lê Thanh Hòa còn dành riêng một buổi workshop ở Amanaki Thảo Điền (TP. Hồ Chí Minh) để chia sẻ với khán giả yêu thời trang về làng nghề lụa Mã Châu.

a hau phuong anh
NTK Lê Thanh Hòa dành riêng một buổi workshop ở Amanaki Thảo Điền (TP. Hồ Chí Minh).

hoi thao lua lth 4 9675

Nhà thiết kế ví loại lụa này như một nàng tiểu thư đỏng đảnh nhưng có sức hút khó cưỡng: “Lụa tơ tằm vốn khó để may trang phục thì lụa Mã Châu lại càng khó hơn vì không pha sợi polyester, đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cực kỳ cao. Tuy thế, chất liệu này vẫn không tránh khỏi nhiều hạn chế. Chẳng hạn như sợi vải thừa, dễ xước, dễ nhăn,…”. Dẫu vậy, anh cho biết những điểm chưa hoàn hảo đó lại tạo nên nét đẹp riêng, bởi trong từng thớ lụa là bao mồ hôi công sức của những nghệ nhân bám trụ với làng nghề truyền thống. Sự xuất hiện của loại chất liệu độc đáo này trong bộ sưu tập “An” vừa là tiếng lòng của Lê Thanh Hòa, vừa là khát vọng muốn đưa làng lụa Mã Châu trở về thời hưng thịnh qua câu chuyện tâm huyết của ông Trần Hữu Phương và con gái – Trần Thị Yến. 

Tiếp lửa cho làng

Được sinh ra trong gia đình có 18 đời kế nghiệp tổ tiên trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa, chị Yến luôn đau đáu với khao khát phát triển làng nghề ở quê hương. Lụa Mã Châu đã qua thời kỳ hoàng kim nhưng người dân Nam Phước vẫn truyền nối kỹ thuật dệt thủ công, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có nhiều người khuyên gia đình chị công nghiệp hóa dây chuyền sản xuất để tiết kiệm chi phí, giúp mức giá có tính cạnh tranh hơn. Nhưng có lẽ vì tình yêu dành cho văn hóa truyền thống mà chị Yến và bác Phương vẫn quyết tâm gìn giữ cách dệt lụa thủ công. 

Để có một tấm lụa đến tay người dùng là cả một quá trình tốn rất nhiều thời gian và nhân lực, từ công đoạn nuôi tằm ở Bảo Lộc, lấy kén, xe sợi, quay tơ, nhuộm màu,… Lụa Mã Châu có khổ vải nhỏ nên thường xuyên phải nối các bó lại với nhau theo từng sợi một, có khi mất đến 3 ngày để hoàn thành. Ngày trước, bác Phương còn đi gom về từng miếng sắt vụn từ những chiếc máy dệt công nghiệp bị bỏ đi để tái chế làm máy sản xuất. Chị Yến kể: “Trong túi bố Phương lúc đó chưa bao giờ có quá 300.000 đồng. Bán vải được bao nhiêu là lấy tiền tái đầu tư sản xuất. Ông phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình, cứ cố gắng níu kéo thời vàng son của lụa. Có giai đoạn mấy tháng trời bố không về nhà, nợ liên tiếp 6 tháng không trả nổi mà người ta cũng không nỡ đòi vì biết ông không còn gì…”. 

024an lth foto kiengcan 16669309661471570327021
BST “An” vừa là tiếng lòng của Lê Thanh Hòa, vừa là khát vọng muốn đưa làng lụa Mã Châu trở về thời hưng thịnh.

Thấu hiểu câu chuyện của lụa Mã Châu, Lê Thanh Hòa cho biết anh muốn lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống nhưng khó khăn vẫn là thuyết phục khách hàng đón nhận, bởi đây là chất liệu kén người mặc. Về mặt kỹ thuật, nhà thiết kế đã ứng dụng những phương pháp xé vải, dập ly, xếp gấp chuyên nghiệp để khắc phục những nhược điểm cũng như mang đến hình ảnh đặc trưng cho thiết kế từ lụa. Anh còn phối hợp với thương hiệu giày Vascara làm nên những đôi giày bằng lụa Mã Châu 100%, với mong muốn mang lụa vào cả thời trang lẫn phụ kiện hiện đại. 

Á hậu Phương Anh cũng bày tỏ tại buổi workshop của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa: “Tôi rất tự hào và luôn mong muốn mang những giá trị truyền thống đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Ở lụa Mã Châu, tôi thấy được sự chân tình, mộc mạc mà cũng rất tinh tế, khéo léo của người Việt Nam. Thậm chí, lụa truyền thống có những chi tiết tuy không hoàn hảo như lụa công nghiệp nhưng chính những vết xước đặc trưng ấy đã làm nên vẻ đẹp rất riêng”. 

lua ma chau 7549 scaled
Hoa hậu Tiểu Vy kiêu sa, mềm mại trong thiết kế lụa tơ tằm Mã Châu.

Hoa hau Tieu Vy trong thiet ke lua Ma Chau cua NTK Le Thanh Hoa scaled

Khi được hỏi về giải pháp phát triển cho lụa Mã Châu, Lê Thanh Hòa chia sẻ: “Đó là câu chuyện của cả 3 bên: sự chủ động từ phía các nhà thiết kế, xưởng may; việc nâng cao, cải thiện chất lượng sản phẩm từ phía làng nghề; và sự mở lòng để thử nghiệm từ phía khách hàng. Với tư cách một nhà thiết kế Việt, tôi nghĩ trách nhiệm của mình không chỉ là sáng tạo những bộ trang phục hiện đại, hợp mốt mà còn là nhắc nhớ, bảo tồn, lưu trữ và hỗ trợ phát triển những giá trị truyền thống lâu đời của thế hệ đi trước. Đặc biệt là những giá trị văn hoá của làng nghề đã được thế giới biết đến từ nghìn năm trước như lụa Mã Châu”.

Lê Thanh Hòa – Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng tại Việt Nam, với hơn 12 năm theo nghề và ghi dấu ấn trong lòng giới mộ điệu với nhiều bộ sưu tập đình đám.

Bài: An An

Ảnh: NVCC

Theo HAHALOLO – Ấn phẩm Du lịch, Giải trí và Đời sống

teen1s.vn

Bài liên quan