Khi tình yêu không xuất phát từ cảm xúc chân thật, mà chỉ là thói quen, cô đơn hay áp lực xã hội, liệu mối quan hệ ấy có bền vững và đáng tiếp tục?
Khi trái tim im lặng nhưng vẫn gật đầu bước vào tình yêu
H.Ngọc (19 tuổi, sinh viên năm nhất, Hà Nội) thừa nhận sau 3 tháng yêu người bạn cùng lớp đại học: “Anh ấy thích mình, quan tâm nhiều, còn mình thì vừa chia tay người cũ, nên cũng muốn thử xem sao. Ban đầu thấy dễ chịu, nhưng càng về sau càng thấy mệt mỏi vì không có cảm xúc thật”.
Không riêng gì Ngọc, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng rơi vào những mối quan hệ mà chính họ thừa nhận là “yêu cho có đôi”, “thử yêu xem sao”, hoặc “chỉ để đỡ trống vắng”. Tình trạng này không hề hiếm và đang trở thành một dạng thực trạng xã hội trong giới trẻ hiện đại.
Monica Berg, một giám đốc truyền thông về hôn nhân, gia đình nói: “Điều quan trọng nhất, bạn cần xem lại mọi cảm xúc của mình, trước khi bạn nói với ai đó rằng bạn yêu họ”. Chuyên gia cho rằng nói lời yêu quá sớm có thể khiến mối quan hệ đang trên đà tiến triển trở nên xấu đi, bởi nó khiến đối tác sợ hãi.
Vì sao lại bước vào một mối quan hệ không thật lòng?
Có nhiều lý do khiến người ta đồng ý yêu khi bản thân chưa sẵn sàng hoặc chưa thực sự rung động:
-
- Sợ cô đơn: Cảm giác trống trải khiến người ta dễ nắm lấy bất kỳ ai đến bên mình không phải vì yêu, mà vì cần một ai đó lấp đầy khoảng trống.
- Áp lực từ người khác: Bị bạn bè trêu chọc “ế quá rồi”, bị gia đình hối thúc, thấy bạn bè có đôi có cặp khiến nhiều người bước vào mối quan hệ vì… không muốn “lạc hậu”.
- Tò mò hoặc muốn thử cảm giác yêu: Nhất là ở tuổi mới lớn, nhiều người dễ bị hấp dẫn bởi ý tưởng yêu đương hơn là người thật sự khiến trái tim rung động.
- Sự đáp lại từ một người quá tốt: Nhiều người nhận ra mình không yêu nhưng lại không nỡ từ chối tình cảm của đối phương từ đó miễn cưỡng bước vào mối quan hệ.
Hệ lụy của việc yêu mà không thật lòng
- Mối quan hệ thiếu kết nối sâu sắc: Khi không có sự đồng điệu cảm xúc, việc gượng gạo, thiếu quan tâm và không chia sẻ là điều khó tránh khỏi.
- Tổn thương cho cả hai: Một người cảm thấy gượng ép, người kia lại sống trong ảo tưởng được yêu thương – khi sự thật vỡ lở, sẽ rất đau.
- Lãng phí thời gian và cơ hội: Một mối quan hệ “cho có” có thể khiến cả hai bỏ lỡ người thật sự phù hợp với mình.
- Tự làm chai lì cảm xúc: Việc yêu mà không rung động thật sự có thể khiến con người ta dần trở nên thờ ơ, mất đi sự nhạy cảm trong tình cảm.
Vậy có nên bắt đầu khi chưa yêu thật lòng?
Không ai cấm bạn “thử tìm hiểu” một người vì đôi khi tình yêu đến sau sự thấu hiểu. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa việc “tìm hiểu với sự nghiêm túc” và “đồng ý yêu vì không biết từ chối”.
Nếu bạn không hề có cảm xúc, không thấy bản thân muốn xây dựng một điều gì đó với người ấy, thì tốt nhất nên dừng lại trước khi bước sâu hơn.
Lời khuyên cho người trẻ: Hãy thành thật với cảm xúc của mình
- Yêu là chuyện của trái tim, không nên là phép lịch sự hay trách nhiệm.
- Một mình không có nghĩa là cô đơn. Việc độc thân cũng là cơ hội để hiểu bản thân và sẵn sàng hơn khi tình yêu thực sự đến.
- Tình yêu đúng nên bắt đầu từ cảm xúc thật. Không cần mãnh liệt ngay từ đầu, nhưng ít nhất bạn nên có sự rung động và mong muốn ở bên người ấy vì chính con người họ, không vì khoảng trống nào đó trong bạn.
Yêu là một điều đẹp đẽ, nhưng chỉ khi tình cảm đó là thật. Việc bước vào một mối quan hệ không có sự rung động thực sự không chỉ khiến bạn mệt mỏi, mà còn gây tổn thương cho người còn lại. Hãy yêu bằng cảm xúc thật, hoặc đủ dũng cảm để nói không khi chưa sẵn sàng.