Không công khai mối quan hệ: Teen đang được yêu hay chỉ là “kế hoạch dự phòng”?

Thiên Di

Phóng viên

Khi một mối quan hệ yêu đương không được công khai, người trong cuộc có đang hạnh phúc thật sự hay chỉ là phương án “giữ chỗ” của đối phương?

Nhiều teen ngày nay bước vào một mối quan hệ với hy vọng được yêu thương, được công nhận. Thế nhưng, có không ít bạn rơi vào cảnh “yêu âm thầm”: không một tấm hình đôi, không lời công khai nào, không xuất hiện trong vòng bạn bè của người ấy.

Lý do đưa ra thường là “giữ sự riêng tư”, nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm sự thật và bao nhiêu là ngụy biện?

Empty

Khi tình yêu bị giấu kín, người trong cuộc cảm thấy gì?

Thu Uyên (17 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Tụi mình yêu nhau 6 tháng nhưng anh chưa từng nhắc tới mình với ai. Mình thấy rất tổn thương. Bạn bè anh thì nghĩ ảnh còn độc thân, còn mình thì luôn phải lén lút trong mọi buổi đi chơi.”

Cảm giác không được công khai dễ khiến một người rơi vào trạng thái hoài nghi chính mình: “Mình có thật sự quan trọng không?”, “Tại sao lại giấu mình như thế?”, “Có phải người ấy còn mối quan hệ khác?”. Từ tình yêu, teen rất dễ chuyển sang cảm giác tự ti, bất an và mất dần niềm tin vào tình cảm.

Không công khai có phải không nghiêm túc trong mối quan hệ?

Việc không công khai đôi khi đến từ mong muốn bảo vệ mối quan hệ, nhưng nếu kéo dài quá lâu hoặc luôn có xu hướng lẩn tránh, rất có thể bạn chỉ là phương án dự phòng một sự lựa chọn để ‘đỡ trống’, chứ không phải người thật sự được ưu tiên.

Không ít trường hợp teen chỉ nhận ra mình là “người trong bóng tối” khi người kia bất ngờ công khai… một người khác. Khi ấy, việc không được công nhận hóa ra lại là cách họ giữ khoảng trống để chờ đợi một “đối tượng tốt hơn”.

Khi yêu, teen cần gì: riêng tư hay sự rõ ràng?

Tình yêu tuổi teen không nhất thiết phải ồn ào, phô trương. Tuy nhiên, sự công khai ở mức tối thiểu như sự xuất hiện bình thường trong đời sống đối phương, được bạn bè biết tới lại là cách thể hiện sự tôn trọng và chân thành.

Empty

Dấu hiệu bạn đang là “kế hoạch dự phòng” trong mối quan hệ:

  • Không được nhắc tới trong bất kỳ không gian công cộng nào.
  • Người ấy không đăng bất kỳ hình ảnh liên quan đến bạn, dù thỉnh thoảng bạn có đăng.
  • Hay dùng lý do “sợ phiền phức” để né công khai.
  • Có thái độ thay đổi khi có người khác xuất hiện.
  • Bạn không rõ ràng vị trí của mình trong cuộc sống của người đó.

Vậy teen nên làm gì nếu rơi vào tình huống bị “giấu yêu”?

  • Hỏi thẳng nhưng nhẹ nhàng: “Vì sao cậu không muốn công khai chuyện mình đang quen nhau?”
  • Đặt giới hạn cho bản thân: Bạn có sẵn sàng tiếp tục một mối quan hệ mập mờ, hay xứng đáng với điều rõ ràng hơn?
  • Tự đánh giá cảm xúc: Nếu tình trạng đó khiến bạn thấy không an toàn, tổn thương hoặc nghi ngờ bản thân, đừng ép mình chịu đựng.

Yêu ai đó là chuyện riêng nhưng không bao giờ nên là một bí mật đáng xấu hổ. Bởi, không ai muốn tình yêu của mình là “phương án B” hoặc “giải pháp dự phòng” trong lúc người kia chờ đợi cơ hội khác. Công khai hay không không định nghĩa tình yêu, nhưng thiếu sự tôn trọng và rõ ràng thì chắc chắn không thể gọi là một mối quan hệ lành mạnh.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất