Kem chống nắng tưởng là “áo giáp” bảo vệ da, nhưng nếu dùng phải hàng giả, người dùng có thể đối mặt với kích ứng, rối loạn nội tiết, thậm chí tăng nguy cơ ung thư da.
Nhiều người dùng tin tưởng kem chống nắng để bảo vệ làn da khỏi tia UV, nhưng không ngờ sản phẩm họ bôi mỗi ngày lại là hàng giả, với chỉ số chống nắng không đủ, khiến da tổn thương nặng nề mà không hề hay biết.
Với thời tiết nắng nóng gay gắt tại Việt Nam, kem chống nắng từ lâu đã trở thành vật bất ly thân trong túi đồ của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Tuy nhiên, mới đây một vụ việc gây xôn xao dư luận đã phơi bày một sự thật đáng sợ: không phải sản phẩm nào ghi chỉ số SPF cao cũng đáng tin.
Công ty TNHH Athena, thành lập từ năm 2019, được quảng bá là đơn vị sản xuất mỹ phẩm trong nước với nhiều dòng sản phẩm chăm sóc da. Trong đó, kem chống nắng SPF 50+ của hãng này từng được giới thiệu rầm rộ trên mạng xã hội, với lời cam kết “bảo vệ da toàn diện khỏi tia cực tím”.
Tuy nhiên, theo kết quả giám định của Bộ Công an công bố ngày 1/7/2025, mẫu kem chống nắng Athena chỉ đạt SPF 4,2 – tức 26,6% so với mức ghi trên bao bì. Điều này không đáp ứng ngưỡng tối thiểu 70% theo quy định về chất lượng sản phẩm, khiến sản phẩm bị xếp vào hàng giả.
Tác hại của kem chống nắng giả:
-
- Tia UV không được ngăn chặn khiến da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, dễ dẫn đến cháy nắng, nám, sạm, lão hóa sớm.
- Nếu sử dụng trong thời gian dài, người dùng có thể tăng nguy cơ ung thư da, đặc biệt nguy hiểm với người có làn da sáng màu hoặc tiền sử bệnh lý da liễu.
- Ngoài ra, các sản phẩm giả thường chứa thành phần không rõ nguồn gốc, có thể gây kích ứng, nổi mẩn, viêm da tiếp xúc, hoặc nhiễm trùng da.
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trên Vnexpress cho biết việc mua nhầm và sử dụng sản phẩm kem chống nắng giả hoặc kém chất lượng có thể gây ra một số tác hại cho da.
Bác sĩ Ngọc Yến lưu ý mọi người nên mua kem chống nắng tại địa chỉ uy tín như nhà thuốc, cửa hàng chính hãng hoặc các website phân phối được cấp phép. Nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, PA+++, phù hợp với loại da của mình. Nếu da có dấu hiệu kích ứng, nên ngưng sử dụng và đến cơ sở y tế để được tư vấn. Mọi người nên mặc áo chống nắng, đeo kính, đội mũ rộng vành, hạn chế ra nắng vào giờ cao điểm.
“Một số loại kem chống nắng giả có chứa paraben, oxybenzone hoặc kim loại nặng, hương liệu cấm, cồn công nghiệp vượt ngưỡng cho phép”, bác sĩ Yến nói, thêm rằng những chất này có khả năng thẩm thấu qua da, tích tụ trong cơ thể và gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng nguy cơ ung thư vú, tuyến giáp…
Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Sau vụ việc Athena, nhiều người tiêu dùng giật mình nhìn lại những sản phẩm mình đang sử dụng mỗi ngày. Không ít loại mỹ phẩm được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, “quảng cáo sang – chất lượng rởm”.
Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên:
- Chọn mua kem chống nắng tại các nhà thuốc, chuỗi mỹ phẩm uy tín;
- Ưu tiên sản phẩm có giấy kiểm nghiệm rõ ràng, công bố thành phần minh bạch;
- Tránh chạy theo quảng cáo giá rẻ bất thường hoặc cam kết quá mức;
- Với các thương hiệu nội địa, cần kiểm tra kỹ giấy phép, mã vạch, website chính thống, và theo dõi thông tin pháp lý mới nhất.
Sự việc Athena chỉ là một ví dụ cho thực trạng niềm tin bị làm giả trong ngành mỹ phẩm. Kem chống nắng không phải là lớp make-up có thể tẩy đi mỗi tối, mà là hàng rào bảo vệ sự sống cho làn da và rào chắn đó cần phải thật, chất lượng, đúng chỉ số.