Học sinh nhờ AI làm bài tập có tốt không?

Quách Ngọc

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Những công cụ AI ngày càng trở thành “trợ thủ đắc lực” của nhiều bạn học sinh, sinh viên. Chỉ với vài thao tác đơn giản, mọi bài tập khó nhằn dường như đều có lời giải. Nhưng liệu sự “nhanh-gọn-lẹ” này có thực sự tốt cho việc học?

Nhìn ngược lại năm 2022, Open AI cho ra mắt ChatGPT – một chatbot AI có khả năng tương tác ở dạng đàm thoại và phản hồi bằng ngôn ngữ tự nhiên. Thời gian đầu ra mắt, những câu chuyện liên quan đến chatbot này luôn tạo ra chủ đề thảo luận, dù vậy, sự xuất hiện của ChatGPT đã góp phần thay đổi ngành công nghệ thế giới và nhiều lĩnh vực trong đời sống, trong đó có giáo dục. 

Các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học là một trong những nơi cảm nhận rõ tác động của AI nhất khi sinh viên sử dụng công cụ này càng nhiều để làm bài tập như viết luận văn, lên kế hoạch, phân tích và đánh giá. 

AI tác động mạnh mẽ đến ngành giáo dục.

 

Không thể phó mặc tất cả cho AI 

Bạn Viết Thanh (17 tuổi, TP.HCM) chia sẻ rằng đã bắt đầu sử dụng AI hỗ trợ việc học từ hai năm trước. Thanh thường dùng AI để viết luận văn, vì đây không phải là môn học yêu thích của mình. Theo Thanh, chỉ cần gõ vài dòng yêu cầu và đợi một lát, ứng dụng sẽ nhận diện nội dung cần tìm và cho ra kết quả chi tiết chỉ trong vài giây.

“Kết quả chỉ ở mức tương đối vì nội dung vẫn khá chung chung. Với những bài viết dạng cảm nhận, AI không thể mang lại sự sâu lắng và giàu cảm xúc. Mình phải chỉnh sửa lại theo ý mình chứ không thể bê nguyên si vào bài được”, Thanh cho biết.

Bạn Yến Nhi, sinh viên năm nhất ngành Truyền thông Đa phương tiện, chia sẻ rằng thường sử dụng các ứng dụng như ChatGPT, Gemini,… để hỗ trợ các môn ngôn ngữ và tài nguyên số trong ngành học. Việc ứng dụng AI giúp Nhi hoàn thành bài tập nhanh hơn, đồng thời việc phân tích và tra cứu thông tin cũng trở nên dễ dàng hơn.

Yến Nhi luôn kiểm tra lại thông tin kỹ càng trước khi đưa vào bài. Ảnh: NVCC.

 

“Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng chính xác, đặc biệt là số liệu hay các cột mốc quan trọng, nên em luôn kiểm tra lại kỹ trước khi đưa vào bài. Nếu phó mặc hoàn toàn cho AI thì bài vở sẽ không đảm bảo được, sẽ có nhiều thông tin bị sai”, Nhi cho biết.

Không để phụ thuộc vào AI 

Mọi vấn đề trong cuộc sống đều có hai mặt, và AI cũng không ngoại lệ. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng công nghệ AI đang giúp học sinh, sinh viên tìm ra cách giải quyết vấn đề nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và công sức. Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong học tập cũng có mặt hạn chế. Nếu dựa dẫm quá nhiều vào AI, các bạn trẻ dễ bị giảm khả năng tư duy độc lập, dẫn đến phụ thuộc và mất đi kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như tư duy phê phán. 

Thậm chí, lạm dụng AI còn khiến sinh viên thiếu hiểu biết sâu sắc và hạn chế khả năng nghiên cứu. Khi phụ thuộc quá mức vào công nghệ, khả năng sáng tạo và tự học của học sinh, sinh viên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tương lai của giáo dục vẫn “nằm ở tay” người thầy 

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định rằng AI đang mang lại những thay đổi tích cực, góp phần tạo ra sự công bằng trong giáo dục. Đặc biệt, AI mở ra cơ hội tiếp cận tài liệu học tập chất lượng cho mọi học sinh, bất kể hoàn cảnh kinh tế, giúp thu hẹp khoảng cách trong giáo dục và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Không chỉ hỗ trợ học sinh, AI còn là công cụ đắc lực giúp giáo viên giảm bớt áp lực từ công việc hành chính. Nhờ đó, các thầy cô có thể dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào những giá trị “con người” cốt lõi như nuôi dưỡng tình yêu tri thức và giáo dục các giá trị sống. Hơn thế nữa, AI đang góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục mở và linh hoạt, trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để trở thành công dân hiện đại, năng động trong thế kỷ 21.

“Tuy nhiên, dù AI có khả năng làm được nhiều điều đáng kinh ngạc, tương lai của giáo dục vẫn phụ thuộc vào nhân cách và tầm nhìn của những người thầy. Chính các nhà giáo dục, với vai trò là người truyền cảm hứng và đồng hành, mới thực sự biến tri thức thành giá trị, giúp học trò phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn nhân cách”, ông Trần Thanh Nam chia sẻ.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất