Báo của tuổi Teen

Hiện tượng chưa có tiền lệ ở người mắc Covid-19 làm bác sĩ “đau đầu”

Một hiện tượng “chưa có tiền lệ” xảy ra ở các bệnh nhân mắc Covid-19 trong phòng chăm sóc tích cực đang làm “đau đầu” các bác sĩ điều trị.

Hiện tượng “chưa có tiền lệ”

Bệnh nhân mắc Covid-19 của bác sĩ Kathryn Hibbert trong phòng chăm sóc tích cực đang trong tình trạng không ổn định. Khi huyết áp của bệnh nhân tăng cao, cô đã đặt một ống tĩnh mạch vào động mạch ở cổ tay bệnh nhân. Tuy nhiên một cục máu đông đã làm tắc đường ống.

Thất vọng vì lần đầu tiên không thành công, bác sĩ Hibbert cố gắng thử làm lại với một đầu kim mới. Kết quả là một cục máu đông khác lại tiếp tục làm tắc đường ống này. Phải mất tới 3 lần, bác sĩ mới hoàn thành mũi tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân trên.

“Bạn chỉ thấy máu vón cục ngay trước mắt bạn. Rất hiếm khi điều này xảy ra dù chỉ 1 lần và càng hiếm xảy ra hơn khi lặp lại ở lần thứ 2”, bác sĩ Hibbert, Giám đốc phòng chăm sóc tích cực (ICU) tại Bệnh viện Massachusetts (Mỹ) cho biết.

Tại Hà Lan, một nghiên cứu cho thất tỷ lệ máu đông “cao khác thường” ở những bệnh nhân mắc Covid-19 trong ICU.

Một tổ chức quốc tế bao gồm các chuyên gia đến từ hơn 30 bệnh viện cũng đang thảo luận về vấn đề này. Họ đã đưa ra kết luận rằng: Không rõ nguyên nhân chính xác vì sao nhưng các bệnh nhân mắc Covid-19 có nguy cơ xảy ra tình trạng máu đông cao hơn.

Tỷ lệ máu đông “đáng báo động”

Phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực, ốm nặng và vẫn phải nằm trên giường bệnh là những điều kiện “lý tưởng” để các cục máu đông xuất hiện dù ở bất kỳ bệnh nhân nào.

Kể cả vậy, các bác sĩ vẫn cho rằng các bệnh nhân mắc Covid-19 dường như xảy ra tình trạng này nhiều hơn so với các bệnh nhân khác phải điều trị trong ICU.

Một nghiên cứu của Hà Lan trên 184 bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị trong ICU cho thấy hơn 20% gặp phải các vấn đề về đông máu. Một nghiên cứu trên 81 bệnh nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc cũng cho kết quả là 25% bệnh nhân gặp phải tình trạng này.

Bác sĩ Bikdeli tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia nhận định có 3 lý do chính giải thích tại sao các bệnh nhân mắc Covid-19 đặc biệt có nguy cơ cao bị đông máu.

Thứ nhất là do phần lớn các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng có các bệnh nền khác như tiểu đường, tim mạch và huyết áp cao. Những bệnh nhân này dù mắc Covid-19 hay không cũng có nguy cơ bị đông máu cao hơn so với các bệnh nhân khác.

Thứ hai, một cách khiến virus corona chủng mới có thể khiến bệnh nhân tử vong là thông qua “cơn bão cytokine”, khi mà cơ chế phản ứng miễn dịch của cơ thể diễn ra. Các bệnh nhân trải qua “cơn bão” này do virus corona, virus cúm hay bất kỳ lý do nào khác đều có nguy cơ đông máu cao hơn.

Lý do thứ ba là có một điều gì đó bên trong chính virus SARS-CoV-2 khiến hiện tượng này xảy ra.

“Đau đầu” giải mã

Trong khi áp dụng một lượng nhỏ chất pha loãng máu để ngăn chặn máu đông có thể không có rủi ro lớn thì biện pháp này có thể không đủ để ngăn chặn tình trạng máu đông ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu dùng liều lượng lớn hơn, điều đó có thể khiến bệnh nhân chảy quá nhiều máu và dẫn đến tử vong.

Điều này đã đặt các bác sĩ trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. 

Các bác sĩ ở Harard đề xuất cần tiến hành một nghiên cứu trên quy mô lớn về chất pha loãng máu với các bệnh nhân này.

Nguồn VOV CNN