Hàng giả tràn lan: Làm ngay điều này nếu không muốn “tiền mất tật mang”!

Thiên Di

Phóng viên

Hàng giả ngày càng tinh vi và tràn lan khắp thị trường, người tiêu dùng cần tỉnh táo và hành động đúng cách nếu không muốn là nạn nhân.

Trong bối cảnh thị trường ngày càng xuất hiện nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tinh vi và khó nhận biết, người tiêu dùng Việt đang đứng trước nguy cơ “tiền mất tật mang” nếu không tỉnh táo và trang bị đủ kiến thức khi mua sắm.

Theo thống kê từ Tổng cục Quản lý Thị trường trên Báo Bộ Công Thương, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng hóa bị làm giả ngày nay không chỉ giới hạn ở mỹ phẩm, quần áo, giày dép, mà còn lan sang các lĩnh vực nguy hiểm hơn như thực phẩm chức năng, thuốc, đồ điện tử, thậm chí là vật tư y tế. Đáng lo ngại hơn, nhiều sản phẩm giả được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội và livestream khó kiểm soát.

Empty

Người tiêu dùng trả giá vì chủ quan

Không ít người tiêu dùng đã phải “trả giá” khi mua phải sản phẩm giả với giá thật: từ dị ứng da do mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, cho đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc cháy nổ khi sử dụng đồ điện tử kém chất lượng.

TS Trịnh Bá Dương, chủ tịch Liên minh xúc tiến thương mại các nước trong khu vực Đông Nam Á (AseanHub) chia sẻ trên Báo Tuổi trẻ, tình trạng hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi và phức tạp, trở thành mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, lợi ích doanh nghiệp và uy tín quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Tình trạng làm giả không chỉ là sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Những phương pháp truyền thống – tem nhãn, mã vạch đơn thuần không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR”, ông cho hay.

Lưu ý những điều sau để tránh “tiền mất tật mang”

Để không trở thành nạn nhân của hàng giả, các chuyên gia và cơ quan chức năng đưa ra những lời khuyên cụ thể:

Chỉ mua hàng ở những nền tảng uy tín và cửa hàng có đánh giá tốt

Điều đầu tiên để hạn chế rủi ro chính là chọn đúng nơi mua hàng. Hãy ưu tiên các nền tảng thương mại điện tử lớn, có chính sách bảo vệ người mua rõ ràng như Shopee, Tiki, Lazada hoặc các website chính hãng. Tránh mua hàng từ những trang web lạ, được gửi qua tin nhắn hoặc quảng cáo “giá sốc” trên mạng xã hội.

Ngoài ra, hãy kiểm tra kỹ phần đánh giá và nhận xét từ những người đã mua trước. Càng nhiều đánh giá tích cực và hình ảnh thực tế, khả năng mua được hàng chất lượng càng cao.

Đừng bị “giá rẻ bất ngờ” làm mờ mắt

Một trong những chiêu trò phổ biến của kẻ gian là đăng bán sản phẩm với giá “không tưởng”, thấp hơn thị trường rất nhiều để thu hút người mua. Tuy nhiên, “của rẻ là của ôi”. Rất nhiều trường hợp người mua nhận hàng kém chất lượng, hàng nhái, thậm chí không nhận được gì.

Nguyên tắc vàng khi mua hàng online là nếu giá quá rẻ so với mặt bằng chung, hãy cảnh giác. So sánh giá từ nhiều nơi khác nhau trước khi quyết định mua.

Cảnh giác với các chiêu trò “giả mạo thương hiệu”

Ngày nay, việc lập fanpage, website giả mạo tên thương hiệu nổi tiếng để lừa đảo diễn ra tràn lan. Ví dụ: một shop làm giả logo Samsung, Uniqlo, Converse… để bán hàng nhái. Những trang này thường dùng tên gần giống thật, giao diện bắt mắt và giá cực rẻ.

Để tránh bị lừa, hãy truy cập đúng website chính thức hoặc fanpage có dấu tick xanh. Ngoài ra, có thể kiểm tra tên miền, hotline, địa chỉ công ty trên Google để xác minh.

Empty

Xem kỹ mô tả sản phẩm và chính sách đổi trả

Trước khi nhấn “mua ngay”, hãy dành vài phút đọc kỹ mô tả sản phẩm: chất liệu, kích thước, xuất xứ, bảo hành… để tránh hiểu nhầm. Với những món hàng có thể phát sinh lỗi như quần áo, điện tử, đồ gia dụng, càng cần xem rõ chính sách đổi trả. Một shop uy tín thường có cam kết đổi trả trong 3–7 ngày nếu hàng lỗi, sai mẫu hoặc không đúng mô tả.

Nếu sản phẩm không có thông tin đầy đủ, hãy mạnh dạn hỏi người bán hoặc tìm nơi khác đáng tin hơn.

Không chuyển tiền trước khi kiểm tra kỹ thông tin người bán

Nhiều người mua bị lừa vì quá tin tưởng và chuyển khoản trước cho người bán lạ, đặc biệt là khi giao dịch qua Facebook hoặc Zalo. Sau khi nhận tiền, người bán có thể “lặn mất tăm”, chặn liên lạc và bạn không thể khiếu nại ở đâu.

Tốt nhất, chỉ nên chọn hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD), đặc biệt là với những giao dịch lần đầu. Nếu buộc phải chuyển khoản, hãy kiểm tra kỹ tên tài khoản, số điện thoại, fanpage, thông tin doanh nghiệp (nếu có).

Người tiêu dùng có thể gọi Tổng đài 1800.6838 hoặc gửi thông tin đến website của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để phản ánh vi phạm, góp phần xử lý tận gốc các đường dây phân phối hàng giả.

Trong “ma trận” hàng thật – giả lẫn lộn hiện nay, không ai khác ngoài chính người tiêu dùng phải chủ động trang bị kiến thức, cảnh giác và kiên quyết nói “không” với những sản phẩm không rõ ràng. Một vài phút kiểm tra thông tin có thể giúp bạn tránh mất tiền, bảo vệ sức khỏe và cả cộng đồng.

Empty

Bài viết liên quan

Tin mới nhất