Giữ Tết trong tâm hồn

Yolo24h.vn

Trang thông tin điện tử tổng hợp

“Tháng cuối của một năm sắp cũ” 

Lũ bạn hay cười chọc quê tôi vì độ sến khi gọi tên tháng 12 như thế. Lòng cứ nôn nao mỗi khi biết một năm mới sắp đến, rồi chẳng hiểu từ khi nào, ánh đèn lung linh của Tokyo mỗi dịp Giáng sinh lại lu mờ so với nỗi mong nhớ Tết trong tôi – một cô gái miền Tây sông nước sống xa xứ 5 năm thỉnh thoảng lại thèm “ăn Tết” đến nghẹn ngào.

Từng ấy thời gian không quá dài nhưng đủ để làm phai nhạt nhiều trang ký ức của thuở đầu đặt chân đến Nhật. Duy nhất cái đêm giao thừa đầu tiên ở xứ người, bằng cách nào đó vẫn là một câu chuyện nguyên vẹn, khắc sâu trong tim tôi. 

Đó là một đêm 30 Tết bận rộn.

Như bao du học sinh khác, tôi vội vã thu dọn cặp sách sau tiếng chuông tan học rồi bắt chuyến tàu điện đến chỗ làm thêm. Công việc bán thời gian ở nhà hàng thường giảm bớt căng thẳng từ sau 10 giờ đêm vì khách về bớt. Riêng tối đó, dù đồng hồ đã điểm 11 giờ khuya nhưng khách vẫn còn ngồi kín bàn. Thấy chúng tôi đứng ngồi không yên, đầu bếp trưởng đã gật đầu cho phép cả nhóm du học sinh Việt Nam được về nhà sớm để chuẩn bị cho đêm giao thừa.  

Ngày còn ở nhà, mẹ tôi hay nấu món chè đậu đỏ để cúng ông bà trong đêm giao thừa. Nhớ lời dặn dò trước khi lên đường sang Nhật, tôi đã ngâm sẵn một ít đậu trước khi đi học để tối về chỉ cần bắc lên bếp ninh cùng chút đường, thêm vài miếng rong biển là có ngay “chè đậu đỏ may mắn cho cả năm an yên, hạnh phúc, mọi điều suôn sẻ” – như mẹ tôi thường nói.

Lệch múi giờ so với Việt Nam 2 tiếng nên chúng tôi vẫn kịp sửa soạn tươm tất rồi ngồi nghe tiếng pháo hoa qua điện thoại cùng gia đình. Mẹ ngồi kẽo kẹt trên võng kể tôi nghe chuyện quét dọn nhà cửa, mấy chậu bông Tết năm nay xấu đẹp ra sao, mua bao nhiêu loại bánh mứt, còn cha thì chốc lát lại chêm vào mấy câu khen cây mai nở sớm với giọng giả đò như cả nhà đang nói về cùng một đề tài. Người Á Đông là vậy, người trong nhà không quen nói những câu thương mến với nhau, lại càng kiêng kỵ than vãn hay buồn bã vào lúc giao thừa. Cứ thế, những đứa con đã hơn hai mấy tuổi rồi nhưng đứa nào cũng chực chờ đầu dây bên kia vừa cúp máy là hai dòng nước mắt ngắn dài.

Nghĩ đến những mâm cơm ngày Tết, ngay cả đứa vững lòng nhất trong đám vẫn không kìm nén được nỗi nhớ nhà. Có lẽ vì chút chạnh lòng của những người con xa xứ mà nhóm du học sinh chúng tôi tề tựu đông đủ nhất trong suốt thời gian đón năm mới, quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói, kể nhau nghe về vài mẩu chuyện vui buồn vẩn vơ. Giữa cơn lạnh, không khí của “gia đình thứ hai” dẫu không máu mủ ruột thịt nhưng đã giữ Tết mãi ấm áp trong lòng 5 năm vừa qua.

Nhớ lại năm ngoái, có một người bạn nhà ở đây mời tôi đến đón Tết tại cửa hàng cùng gia đình họ. Tôi được thưởng thức súp Ozoni, một món ăn hàm chứa ý nghĩa may mắn cho một năm mới trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, với sự kết hợp từ đủ loại rau củ như ngưu bàng, cà rốt, củ cải trắng, nấm đông cô, thịt gà và nước hầm dashi (một loại nước nấu từ tảo bẹ và cá). Tôi còn được tặng một viên mochi dẻo nướng thơm nức mũi, để khỏa lấp cơn thèm vị ngọt ngào của hộp bánh mứt ở quê nhà. 

Cứ như thế, Tết xa xứ không có mai vàng, không bánh tét, cũng chẳng có thịt kho, củ kiệu của mẹ làm. Thứ mà chúng tôi có thể chia sẻ nhiều nhất để cùng nhau giữ Tết trong tâm hồn chính là tình bạn bè và tình đồng hương – chất xúc tác chuyển hóa nỗi nhớ nhà thành động lực tiếp tục cố gắng trên hành trình chạm đến giấc mơ mà chúng tôi đang theo đuổi. 

Chỉ mong Tết này và Tết của nhiều năm sau nữa, người thân ở quê nhà vẫn khỏe mạnh bình an, để Tết của ngày tôi trở về sẽ được đón chào trong ấm áp yêu thương, để một lần nghe lại câu nói giản đơn nhưng lòng luôn thầm mong nhớ:

“Vô cất đồ, tắm rửa cho khỏe rồi ra cơm nước, nha con”. 

Bài & Ảnh: RojiNP

– Theo HAHALOLO – Ấn phẩm Du lịch, Giải trí và Đời sống

Bài viết liên quan

Tin mới nhất