Đường sắt Đài Loan nối dài từ hoài niệm

Yolo24h.vn

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Tôi có một tham vọng nho nhỏ là tự tay mình hoàn thành một bộ ảnh chụp tất cả các trạm tàu lửa ở Đài Loan, đặc biệt là các trạm tàu chậm đặt ở những vùng nông thôn, vùng núi đến các miền tiếp giáp biển. Với tôi, hệ thống giao thông công cộng là mạch máu của kinh tế & đời sống của một đất nước. Hệ thống này càng hoàn thiện thì đời sống người dân càng tiện lợi, hiệu quả kinh tế mang lại càng lớn lao. Tôi là gái văn phòng điển hình, lười lái xe, thích nghe nhạc trên đường đi, ngắm cảnh rồi suy nghĩ vu vơ. Ngày còn sống ở Sài Gòn, dù cho xe Bus ở đó dày vò người dùng cỡ nào, tôi vẫn hàng ngày bắt xe từ Quận 12 vào Quận 1 đi làm. Tôi yêu giao thông công cộng, đó là lí do vì sao tôi yêu Đài Loan, tình yêu thứ hai dành cho đất nước này sau dịch vụ y tế, đó cũng là một trong những động lực giúp tôi vượt qua những chướng ngại đếm không xuể khi hoà nhập vào một cuộc đời mới ở mảnh đất này.

Hệ thống tàu lửa của Đài Loan (TRA) rất đơn giản, hệ thống này trải dài từ Đông sang Tây, khu vực phía Tây thì chia thành hai tuyến chính: Mountian Line (山線) và Coastal Line (海線). Trong đó, Mountain Line (tuyến dọc đường núi) được sử dụng rất nhiều, mật độ xe cao, còn Coastal Line (tuyến dọc đường biển) thì ngược lại, xe khá ít, lượt người dùng thấp nhưng lại đẹp vì chúng ta có thể ghé ngắm biển.  Các vùng sâu trong núi vẫn chưa được phủ sóng tới, ngoại trừ các tuyến đặc biệt tiếp nối đến các điểm du lịch trọng yếu. Các vùng ngoại đảo (離島) gồm Penghu, Kinmen, Matsu Islands cũng không có phương tiện này.

Tàu lửa Đài Loan (台鐵) được đưa vào xây dựng từ năm 1891, sau đó được hoàn thiện hơn vào giai đoạn Nhật Trị (1895-1945). Với mạng lưới tàu lửa trải dài trên diện rộng của Đài Loan, phương tiện này đã trở nên một phần ý nghĩa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân nước này từ thế kỷ 19. Đặc biệt là đối với thế hệ cũ, những người lớn lên cùng các tuyến tàu lửa nối miền quê và thành phố trong giai đoạn đất nước còn chưa được thịnh vượng như bây giờ. Họ là những con người xa quê hương, tìm kiếm cơ hội học tập ở các thành phố lớn hoặc những người khăn áo ra đi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Sự hoài niệm này được gợi lại trong những năm gần đây thông qua rất nhiều hoạt động tuyên truyền, sản phẩm hay dịch vụ liên quan đến “Tàu Lửa”, ví dụ như sự kiện “Nostalgia Railroad Ekiben”(懷舊鐵路便當), đây là phiên bản chính hãng của cơm hộp đường sắt Đài Loan trong qúa khứ. Một tác giả nổi tiếng Su Jhao-Syu, người nổi lên trong phong trào phục hưng hình ảnh của “Tàu Lửa Đài Loan” đã viết hơn 46 cuốn sách về phương tiện này tính đến năm 2019. Ông cũng từng có những phát biểu làm xao động lòng người về hình ảnh xe lửa, trong đó câu nói khiến tôi xao xuyến: “Ga xe lửa là cánh cửa của cố hương, là lâu đài của nỗi nhớ quê hương, sân ga là vũ đài của sự hợp tan ly biệt, xe lửa là đường ray liên thông nỗi nhớ và ký ức, mỗi một tuyến đường phụ đều có sợi dây tình cảm riêng.” Chính nhờ những sợi dây tình cảm thiêng liêng này mà ngành du lịch đường sắt trong nước có thêm một hướng đi riêng mang hương vị của “kí ức”. 

Năm 2011 , là một năm đáng nhớ đối với những người yêu đường sắt Đài Loan khi hành trình “Đoàn xe lửa du lịch dạng tàu du lịch lữ hành” được ra mắt dưới sự hợp tác của Taiwan RailwaysAdministration -TRA và ezTravel, những tuyến xe phía bắc từ ga Yongle – Su’ao, phía nam đến ga Fangye –Pingtung, các sân ga mà từ lâu đã bị hành khách lãng quên nay vì thế mà bỗng dưng trở nên sôi động.  Điển hình là tuyến Shen’ao nằm ở Mũi đông bắc Đài Loan, một tuyến xe có địa thế dốc nhất từ trước đến nay trong hệ thống xe lửa ở Đài Loan.  Tuyến xe này bắt đầu vận hành vào năm 1936, mục đích chính là để vận chuyển khoáng sản, công ty khoáng sản Nhật Bản đã cho xây đường ray này nhằm di chuyển đá cát ra cảng. Một năm sau đó, công ty này nới thêm đường xe lửa này đến Shen’ao, Badouzi cho tới Bachimen. Có thể thấy, tuyến đường này có tầm quan trọng nhất định vào thời Nhật Trị, thậm chí trở thành đường giao thông trọng yếu để vận chuyển hàng hoá và người dân qua lại giữa Ruifang và Keelung. 

Sự phục hưng ga xe lửa nhỏ và phong trào du lịch tại các tuyến xe lửa nhỏ như được làm sống lại, quen thuộc nhất vẫn là không thể không nhắc đến Pingxi, Jiji và tuyến Neiwan. Tôi đã từng một lần bắt tuyến Jiji từ ga Ershui, mùa xuân là mùa thích hợp để du khách đến ngắm phố cổ, hoa đào và từ từ cảm nhận nét đẹp hoài cổ của Đài Loan. 

Ngoài ra, còn có một mạng lưới người hâm mộ xe lửa Đài Loan ngày càng đông đảo thông qua làn sóng “Taiwanzation”. Xét về mặt văn hoá, đường sắt Đài Loan có sự liên hệ và thừa hưởng chặt chẽ với hệ thống đường sắt Nhật Bản, đây được xem là một trong những di sản cực kì có giá trị mà người Nhật đã để lại cho người Đài trong suốt 50 năm độ hộ của mình, trong đó bao gồm hệ thông tàu lửa phiên bản bình dân (TRA) và cả phiên bản tàu nhanh (High Speed Railway) từ Shinkansen của người Nhật. Ngày tôi đi Nhật, tôi đi đúng những thành phố còn rất cổ như Osaka, Kyoto, Nara…tôi còn tưởng mình lọt thỏm vào một phiên bản phóng đại của Đài Loan. 

Bài & ảnh: Sophie Tang

– Theo HAHALOLO – Ấn phẩm Du lịch, Giải trí và Đời sống

Bài viết liên quan

Tin mới nhất