Dạy tiếng Anh sớm, trẻ có thể “lạc lối” nếu tiếng mẹ đẻ chưa vững

Liễu Mộc

Phóng viên

Nhiều phụ huynh cho con học tiếng Anh từ rất sớm với kỳ vọng “học sớm sẽ giỏi sớm”, nhưng nếu không đúng cách, điều này có thể khiến trẻ rối loạn ngôn ngữ, thậm chí yếu cả tiếng mẹ đẻ lẫn ngoại ngữ.

Ngôn ngữ là công cụ để tư duy

Giảng viên Lê Thanh Hải từng chia sẻ trong bài viết “Chưa sõi tiếng Việt đã nhồi tiếng Anh” đăng trên VnExpress rằng, tâm lý chạy theo tiếng Anh như tiêu chí hàng đầu trong chọn trường, chọn lớp đã trở nên phổ biến.

Trong khi đó, những điều tưởng chừng rất căn bản như khả năng bộc lộ cảm xúc, phát triển nhận thức, gìn giữ bản sắc cá nhân, hay cảm nhận sự yêu thương từ gia đình qua tiếng mẹ đẻ lại bị xếp xuống hàng thứ yếu.

Anh trăn trở: “Phải chăng trong nỗi lo hội nhập, chúng ta đã quên rằng sự phát triển bền vững, sự hạnh phúc và kết nối của trẻ bắt đầu từ những gì thân thuộc nhất đó là tiếng mẹ đẻ?

Giảng viên Lê Thanh Hải chia sẻ thêm, ngôn ngữ, đối với trẻ nhỏ, không chỉ để giao tiếp. Đó là nền móng để hình thành tư duy, bản sắc và năng lực kết nối xã hội. Nếu một đứa trẻ chỉ học cách nói “Hello” hay “How are you?” mà không đủ từ vựng tiếng Việt để diễn tả nỗi lòng, cảm xúc của mình thì rất có thể, đứa trẻ ấy sẽ rơi vào trạng thái “song ngữ nửa vời”, tiếng Việt thì hời hợt, tiếng Anh thì không đủ sâu.

Ngôn ngữ là công cụ để tư duy và trẻ học cách tưởng tượng, lý giải, phản biện, đặt câu hỏi, tất cả đều dựa trên nền tảng ngôn ngữ. Nếu không có từ để gọi tên cảm xúc, trẻ sẽ khó điều tiết hành vi, khó hiểu được chính mình.

Một đứa trẻ ba tuổi còn chưa kể tròn một câu chuyện bằng tiếng Việt đã phải luyện nói tiếng Anh, điều đó không khiến trẻ thông minh hơn mà dễ khiến con rối loạn, thậm chí chậm phát triển cả ngôn ngữ lẫn nhận thức.

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của tiếng Anh. Nhưng học sớm không đồng nghĩa với học tốt. Nếu ép con học tiếng Anh khi tiếng mẹ đẻ còn chưa vững, điều đó chỉ khiến trẻ thêm áp lực, chứ không tạo lợi thế.

Những kỹ năng học thuật như phân tích, mô tả, suy luận chỉ thực sự phát triển khi trẻ dùng ngôn ngữ mình thấy thoải mái nhất và đó thường là tiếng mẹ đẻ. Khi một đứa trẻ lên 5, điều quan trọng không phải là con biết bao nhiêu từ tiếng Anh, mà là con có hiểu mình đang cảm thấy gì, biết bày tỏ tình yêu thương với người thân, và có khả năng “nói bằng cả trái tim”.

Học sinh lớp 1 học tiếng Anh (Ảnh: Hải Nguyễn)

Học sinh lớp 1 học tiếng Anh (Ảnh: Hải Nguyễn)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Kim Hoa, giáo viên dạy tiếng Anh Trường Tiểu học Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, với trẻ còn nhỏ tuổi, nhiều em chưa sẵn sàng về tâm thế để học ngoại ngữ, chưa hiểu được vì sao mình cần học, dẫn đến việc tiếp thu không hiệu quả, không đạt được kỳ vọng của bố mẹ.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, đó là chương trình học mà phụ huynh chọn cho con khi chưa vào lớp 1 nhiều khi lại không phù hợp với độ tuổi.

Theo cô Hoa, với trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ cần quan sát xem con có thực sự hứng thú với việc học ngoại ngữ hay không. Có trẻ thích chơi hơn là học, có trẻ thích giao tiếp, có trẻ lại không. Cha mẹ cần lựa chọn môi trường và giáo viên phù hợp, đặc biệt là người hiểu tâm lý lứa tuổi, có khả năng dạy học thông qua trò chơi, hình ảnh và tương tác. Hiện nay, không ít trung tâm thuê giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ mà thiếu kiến thức sư phạm mầm non, điều này rất nguy hiểm.

Ở tuổi mầm non, trẻ cảm nhận thế giới chủ yếu qua hình ảnh và âm thanh. Vì vậy, phương pháp hiệu quả là “vừa học vừa chơi”, thậm chí trẻ còn không biết mình đang học. Nếu dạy theo cách truyền thống, không tạo được hứng thú, trẻ sẽ dễ sợ học và hình thành cảm giác tiêu cực với ngoại ngữ.

Hiểu năng lực của trẻ trước khi quyết định cho học ngoại ngữ

Cũng chia sẻ trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hải, giáo viên tiếng Anh tại Trường Tiểu học Dịch Vọng (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Theo cô, phụ huynh thường muốn con giỏi cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng lại chưa hiểu rõ rằng tiếng Anh ở Việt Nam chỉ là ngôn ngữ thứ hai, không phải song ngữ như nhiều người nghĩ.

Cô lấy ví dụ, nếu trẻ có bố mẹ sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau trong đời sống hàng ngày tiếng Việt và tiếng Anh thì trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận cả hai ngôn ngữ một cách tự nhiên. Đó là song ngữ thực sự, nhưng với phần lớn học sinh Việt Nam, tiếng Anh là ngoại ngữ, không phải môi trường ngôn ngữ sống.

Theo nhiều nghiên cứu, giai đoạn từ 2 đến 4 tuổi là thời điểm vàng để phát triển tiếng mẹ đẻ. Nếu giai đoạn này bị chen ngang bởi một ngôn ngữ thứ hai, khả năng phát triển tiếng Việt sẽ bị ảnh hưởng.

“Có trường hợp phụ huynh dừng luôn việc nói tiếng Việt ở nhà, chuyển hẳn sang dùng tiếng Anh để rèn luyện cho con. Điều này có thể dẫn đến hậu quả: con bị rối loạn ngôn ngữ, thiếu tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Việt, và gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức khi vào lớp 1”, cô Hải nói và kể rằng, có những học sinh mà khi cô giáo hỏi bằng tiếng Việt, con hiểu nhưng không biết cách diễn đạt lại bằng tiếng Việt và phản xạ là trả lời bằng tiếng Anh. Điều này cho thấy sự lệch lạc trong phát triển ngôn ngữ.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất