Theo thông tin từ Thảo Cầm Viên Sài Gòn, gia đình capybara sẽ ra mắt vào lúc 8h30 sáng ngày 03/01/2025. Gia đình này gồm 4 thành viên với tên gọi Phú, Quý, Cát, Tường – những cái tên mang ý nghĩa may mắn và tài lộc, phù hợp với không khí Tết Nguyên Đán.
Đặc biệt, trong dịp này, Thảo Cầm Viên sẽ tổ chức bốc thăm may mắn cho 20 khách tham quan được trực tiếp giao lưu với các bé capybara. Đây là cơ hội tuyệt vời cho những bạn trẻ yêu thích loài động vật này, đặc biệt là khi thông tin về sự kiện vừa được công bố đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, khiến mọi người háo hức chờ đón những “chiến thần ngoại giao” tại khu vườn xanh mát giữa lòng thành phố.
Capybara hay chuột lang nước là loài chuột lớn nhất thế giới hiện nay, với chiều cao có thể lên đến 60cm, dài 1,2m và trọng lượng tối đa lên tới 100kg. Loài này chủ yếu sống ở Nam Mỹ, đặc biệt ở Brazil, Paraguay, Uruguay, Venezuela và Argentina. Chúng thường ăn cỏ và sống thành bầy đàn.
Ngoài capybara, Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn gây ấn tượng với nhiều hoạt động sáng tạo khác như tổ chức lễ đầy tháng cho 2 bé hổ Bengal Bình – Dương, sự kiện đã gây sốt từ tháng 5/2023. Được biết, cha của hai bé hổ này là một chú hổ sinh ra tại Thảo Cầm Viên vào năm 2014, còn mẹ là một trong 4 hổ Bengal được tiếp nhận từ Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bình Dương vào năm 2022. Tên gọi Bình – Dương thể hiện lòng tri ân với địa phương đã đồng hành cùng công tác bảo tồn loài hổ Bengal.
Tuy nhiên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn gần đây cũng đối mặt với nguy cơ bị truy thu gần 800 tỉ đồng tiền nợ thuê đất và có thể ngừng hoạt động. Để giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã thống nhất cho Thảo Cầm Viên thực hiện rà soát, kê khai chi tiết về các diện tích đất sử dụng cho mục đích kinh doanh và không kinh doanh.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng vào năm 1864, đến nay đã tròn 160 tuổi. Đây là một trong 8 vườn thú cổ nhất thế giới, hiện đang nuôi dưỡng hơn 2.000 động vật thuộc 135 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm. Ngoài ra, nơi đây còn bảo tồn hơn 2.500 cây xanh và hơn 900 loài thực vật.