Trầm cảm tuổi teen không chỉ là nỗi buồn thoáng qua mà có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được nhận diện và can thiệp kịp thời.
Áp lực vô hình đẩy teen đến bờ vực trầm cảm
Áp lực học hành, kỳ vọng từ gia đình, sự so sánh trên mạng xã hội, cảm giác cô đơn hay bị bắt nạt… là những yếu tố góp phần khiến nhiều thanh thiếu niên rơi vào trạng thái trầm cảm.
Chia sẻ trên báo điện tử VOV, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu (Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết, trầm cảm ở tuổi vị thành niên hiện nay thực sự rất đáng báo động. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023 cho thấy, trầm cảm đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm chức năng và khuyết tật ở nhóm tuổi 10 – 19.
Hiện nay cứ 5 em học sinh thì có 1 em có biểu hiện trầm cảm hoặc lo âu nặng, và đáng lo ngại hơn là 65% thanh thiếu niên rơi vào tình trạng trầm cảm ẩn, tức không thể hiện rõ ra bên ngoài như người lớn nghĩ.
“Trầm cảm tuổi vị thành niên hiện nay thực sự rất đáng báo động… nếu không phát hiện và can thiệp sớm, hệ quả có thể rất nghiêm trọng.
Trầm cảm là bệnh lý tâm thần cần được điều trị đúng cách. Các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, mất hứng thú, thu mình, dễ cáu gắt… nếu kéo dài trên 2 tuần thì cha mẹ nên đưa con đi khám chuyên khoa”, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu nói.
Biểu hiện trầm cảm tuổi teen
Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, trầm cảm tuổi này thường âm thầm với các biểu hiện: cáu gắt, thu mình, giảm thành tích học tập…
Các yếu tố nguy cơ bao gồm áp lực học hành, căng thẳng từ mạng xã hội, sự cô đơn trong gia đình và thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc đang khiến các em dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Nếu không phát hiện và can thiệp sớm, hệ quả có thể rất nghiêm trọng. Đã có trẻ tự tử, nghiện chất cấm, bỏ học, và ảnh hưởng lâu dài cho đến tuổi trưởng thành.
Trầm cảm tuổi teen không phải lúc nào cũng buồn rầu, than thở, có thể là cười nhiều hơn, hoạt bát bất thường, hoặc… im lặng hoàn toàn.
Chúng ta cần cảnh giác hơn với các thay đổi hành vi, thái độ của trẻ, đừng phớt lờ những tín hiệu dù nhỏ, đồng thời xây dựng môi trường gia đình và trường học an toàn về mặt cảm xúc cho các em. Sự thấu hiểu và hành động đúng lúc của người lớn hôm nay có thể cứu lấy tương lai của cả một thế hệ.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
TS.BS Trần Thị Hồng Thu chỉ ra, nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở tuổi vị thành niên là tổng hợp của nhiều yếu tố phức tạp.
Thứ nhất, áp lực học tập, kỳ vọng thành tích từ gia đình, sự cạnh tranh trong trường học, mâu thuẫn bạn bè, bắt nạt học đường, hoặc sự cô lập xã hội đều dễ làm tăng cảm giác căng thẳng và bất lực ở các em.
Thứ hai, thay đổi sinh học với sự dao động hormone trong giai đoạn dậy thì cũng ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát cảm xúc.
Thứ ba, môi trường gia đình thiếu sự gắn kết, bạo lực, ly hôn hoặc thiếu sự hỗ trợ tâm lý đúng lúc đều là những yếu tố nguy cơ cao.
Cuối cùng, yếu tố di truyền và tiền sử bệnh tâm thần trong gia đình cũng làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Thanh thiếu niên có cha mẹ từng mắc trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần khác sẽ có nguy cơ cao hơn.
Trị liệu trầm cảm cần áp dụng phương pháp hiệu quả
Để điều trị trầm cảm ở tuổi vị thành niên hiệu quả, TS.BS Trần Thị Hồng Thu chia sẻ, cần áp dụng tổng thể nhiều phương pháp, linh hoạt tùy theo mức độ và hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp.
Trong đó, trị liệu tâm lý cá nhân, đặc biệt là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) giữ vai trò then chốt. Phương pháp này giúp thanh thiếu niên nhận diện và điều chỉnh các suy nghĩ tiêu cực, đồng thời trang bị kỹ năng đối phó với căng thẳng và cảm xúc tiêu cực.
Song song với đó, trị liệu gia đình cũng đóng vai trò quan trọng. Phương pháp này giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng của con, cải thiện giao tiếp trong gia đình và cùng xây dựng một môi trường cảm xúc an toàn.
Với những trường hợp trầm cảm từ mức độ trung bình đến nặng, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa là cần thiết để kiểm soát triệu chứng, ổn định tinh thần và hỗ trợ trẻ trong học tập, sinh hoạt thường ngày.
Ngoài các phương pháp điều trị chính, nhiều liệu pháp hỗ trợ như thư giãn, thiền chánh niệm hay giáo dục kỹ năng cảm xúc, xã hội cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Những phương pháp này giúp trẻ tăng khả năng tự chủ, giảm lo âu và nâng cao năng lực thích nghi với áp lực cuộc sống.
Bên cạnh điều trị chuyên môn, vai trò của cha mẹ và người thân là yếu tố nền tảng. Việc xây dựng kết nối cảm xúc sâu sắc với con là vô cùng quan trọng. Hãy dành thời gian trò chuyện, hỏi han con mỗi ngày, lắng nghe con một cách kiên nhẫn mà không phán xét hay áp đặt.
Ngay cả khi con bộc lộ nỗi buồn, thất vọng hay những cảm xúc tiêu cực khác, cha mẹ vẫn cần thể hiện sự tôn trọng và chấp nhận, để trẻ cảm thấy an toàn khi chia sẻ nội tâm của mình.
Gia đình cần trở thành nơi trẻ được yêu thương vô điều kiện, không chỉ khi con thành công mà cả khi con thất bại hoặc mắc lỗi. Tránh la mắng, chỉ trích, thay vào đó hãy tạo không gian tích cực và thấu hiểu để trẻ có thể hồi phục và phát triển tinh thần lành mạnh.
Cuối cùng, cha mẹ cần biết cân bằng giữa kỳ vọng và sự hỗ trợ. Việc đặt ra mục tiêu quá cao, so sánh con với người khác mà thiếu đi sự đồng hành thực chất sẽ khiến trẻ dễ rơi vào cảm giác áp lực, thất bại và xa cách với gia đình, những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm.