Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vào năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam 12-13 tuổi sử dụng internet hàng ngày. Con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%.
Trong khi đó, theo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5-7 giờ mỗi ngày.
Mạng xã hội ngày càng phổ biến trong giới trẻ Việt
Năm 2014, Việt Nam có khoảng 37 triệu người sử dụng internet. Tuy nhiên, đến năm 2024, con số này đã tăng lên đến 78 triệu, trong đó một tỉ lệ lớn là thanh thiếu niên và trẻ em.
Trong một chia sẻ trên báo Dân trí, Ông Cao Hoàng Nam, đại diện Sáng kiến Z Alpha chỉ rõ: “Mạng xã hội đã sử dụng những thuật toán khác nhau dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hoạt động của não bộ, nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng, liên tục lôi cuốn người dùng mạng xã hội, tạo ra các chu kỳ tương tác gây nghiện”.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến đối tượng dưới 13 tuổi khi sử dụng mạng xã hội. Bởi lứa tuổi này đang ở giai đoạn hoàn thiện não bộ, nên việc sử dụng quá nhiều mạng xã hội tác động lớn đến não.
Trong khi đó ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, không gian mạng đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống.
“Các em sẽ là thế hệ công dân số mới, mang lại sự thịnh vượng cho không gian mạng và cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình là một trong những thách thức dẫn đến rủi ro trên môi trường mạng của trẻ ngày càng gia tăng” – Ông Trần Đăng Khoa đánh giá.
Đại diện Cục An toàn thông tin cũng chỉ ra 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng, đó là: Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; Bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; Bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; Sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; Bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật…
Lợi ích và rủi ro đi kèm
Không thể phủ nhận mạng xã hội đem đến nhiều lợi ích, từ việc tăng cường sự kết nối, cơ hội thể hiện bản thân, tiếp cận thông tin cũng như các nguồn lực cho thanh thiếu niên trong học tập và cuộc sống.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 81% học sinh báo cáo rằng mạng xã hội giúp họ cảm thấy được kết nối hơn với bạn bè và thế giới xung quanh.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng mạng xã hội, thanh thiếu niên có thể gặp các tác động tiêu cực như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện internet, bắt nạt qua mạng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tội phạm trên không gian mạng gia tăng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại là một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân, suy nghĩ tiêu cực và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Những kết quả nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát, giáo dục trẻ em về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và lành mạnh.
Theo ông Đỗ Dương Hiển, Phụ trách dự án Trẻ em, Tổ chức Childfund, độ tuổi sử dụng internet và sử dụng mạng xã hội của trẻ em Việt Nam càng ngày càng nhỏ hơn.
“Rất nhiều cha mẹ sử dụng mạng xã hội, clip của YouTube giống như một phần thưởng dành cho con mà chúng ta có thể tạm gọi là bảo mẫu số. Cần thời gian cho mình để lướt web thì đưa cho con máy” – Ông Đỗ Dương Hiển phân tích và nhấn mạnh thêm.
Cùng với đó thực tế cho thấy, khoảng cách địa lý không còn là rào cản trong việc trẻ em tiếp cận internet. Ngay cả ở vùng sâu, vùng xa hay khu vực dân tộc thiểu số, trẻ em vẫn có thể sử dụng mạng hàng ngày với chi phí không quá cao.
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc trang bị kỹ năng số và ý thức sử dụng mạng xã hội an toàn cho trẻ em ở mọi miền đất nước, bởi môi trường mạng đang hiện diện đồng đều, nhưng chưa chắc đã an toàn như nhau.