Đà Nẵng – miền yên giữa gió trời
Tiếng thông báo chuẩn bị hạ cánh từ tiếp viên vang lên, tôi ghé đầu nhìn qua ô cửa kính máy bay, lãng đãng ngắm Đà Nẵng dần hiện rõ sau màn mây. Một nửa xanh lá từ núi rừng bạt ngàn, nửa còn lại là xanh thẳm của bờ biển dài và rộng. Hai sắc xanh hiền hòa của thiên nhiên như đang trìu mến, ôm trọn cả thành phố vào lòng.
Chớp mắt một cái đã 365 ngày, vòng lặp xuân – hạ – thu – đông lại sắp vào chu kỳ mới. Lúc này, khắp nơi trên dải đất hình chữ S được bao phủ bởi những sắc màu rực rỡ, không khí nhộn nhịp tưng bừng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến mảnh đất miền Trung vào thời điểm giáp Tết. Đà Nẵng những ngày cuối năm, nắng vàng trải khắp mọi nẻo đường, rực rỡ nhưng không quá gắt, thắp sáng từng góc phố phường đang nhộn nhịp bán buôn. Trên các cung đường, những chuyến xe chở hàng đông như nêm, tấp nập qua lại càng tô điểm cho nét rộn ràng của mùa đoàn viên đang đến gần.
Chốc lát lại có vài cơn gió lạnh mơn man, nhẹ nhàng lùa qua mái tóc của những cô gái đang tạo dáng chụp ảnh bên khóm hoa rực rỡ. Đứng giữa một khoảng không rộng lớn với màu trời xanh trong vắt trên đầu và sắc hoa rực rỡ ngay trước mắt, lòng tôi bỗng thấy bình yên đến lạ.
Đã lâu không gặp
Lần đầu đến đây, tôi cứ tiếc mãi vì chỉ kịp đi chùa Linh Ứng trên Sơn Trà chứ không thể đến đỉnh Bàn Cờ mà người ta vẫn hay nhắc. Vì vậy lần này, tôi quyết tâm phải đi cho bằng được. Dù được cô em gái là dân địa phương nơi đây dọa rằng đường đi khó nhằn nhưng chỉ nhiêu đó thì không đủ làm lung lay sự hào hứng của tôi.
Thế là, cả hai đã cùng nhau đi trên chiếc xe số cọc cạch. Có đoạn bằng phẳng, đoạn thì dốc cao, đứa em trước đó ra sức ngăn cản tôi giờ phải nhảy xuống đẩy phụ. Hai chị em đứng thở hồng hộc bất lực trước con dốc, trời lại nắng nên chật vật cả tiếng đồng hồ mới lên đến bãi đỗ xe. Ngay cả chú bảo vệ cũng ngạc nhiên hỏi: “Hai đứa con gái mà chạy xe dữ vậy?”. Tôi và cô em phải bật cười vì công nhận cả hai chịu chơi quá!
Đứng trên đỉnh Bàn Cờ nhìn xuống toàn cảnh Đà Nẵng, tôi cảm thấy bao công sức lúc nãy như được bù đắp. Một bên là thành phố với những tòa nhà chen chúc nhau, đối lập với nửa kia là biển xanh trong vắt một màu. Tất cả cộng hưởng tạo nên bức tranh tuyệt đẹp khiến tôi chỉ muốn ở đó để ngắm mãi.
“Đã đến Sơn Trà, leo đỉnh Bàn Cờ thì ngại gì không làm luôn một chuyến phượt đến Hải Vân?” – Nghĩ là làm, ngày hôm sau, tôi lại đánh xe men theo bãi biển Nguyễn Tất Thành hướng thẳng về phía cung đường lên đèo, bất kể cái nắng miền Trung lúc 12 giờ trưa. Không có cô em gái nên tôi cứ thong dong vừa chạy vừa ngắm mây trời. Thấy mấy đứa trẻ chơi đùa ở bờ biển, tôi cũng ham vui tấp xe vào lề rồi cuốc bộ từng bậc thang xuống bãi cát. Bọn trẻ vô tư cười nói mặc kệ nắng nôi, rượt đuổi mệt thì nghỉ rồi lại bật dậy chí chóe giành nhau trái banh. Thứ niềm vui giản dị ấy giống như một cơn gió mát lành giữa trưa, làm tôi bất chợt nhớ ai đó đã nói: “Chúng ta dành cả tuổi thơ để mong thành người lớn, nhưng dành cả quãng đời trưởng thành để mong một lần trở lại tuổi thơ”.
Đến Đà Nẵng, bình yên như trở về nhà
Ở vùng ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế là cung đường đèo Hải Vân được mệnh danh “thiên hạ đệ nhất hùng quan” của đất Việt. Nơi đây bốn bề đều ngập tràn linh khí đất trời, cảnh quan hùng vĩ không tả xiết. Một mình một xe, tôi cứ thế chạy bon bon. Dọc đường đi, mỗi lần triền núi sừng sững hay biển xanh bao la hiện ra sau từng đoạn dốc thì tôi lại phải dừng chân để chụp ảnh. Cảm tưởng như muôn trùng nước non thu vào tầm mắt mình. Vượt qua một chặng đường dài, tâm hồn nhẹ bẫng trước bức tranh thiên nhiên nối dài bất tận với vẻ đẹp đến nao lòng.
Đèo Hải Vân còn có tên khác là đèo Mây bởi quanh năm được bao phủ bởi những tầng mây trắng. Nếu may mắn, phượt thủ khi đi qua cung đường này sẽ được tận mắt ngắm nhìn từng làn mây lửng lơ ngang tầm mắt, hay hiếm gặp hơn là thác mây cuồn cuộn đổ xuống từ đỉnh đèo. Nơi đây còn nổi tiếng vì có những đoạn dốc cao với ngã rẽ khúc khuỷu đầy hiểm trở được gọi là những khúc cua tay áo. Từ trên cao nhìn xuống giống như một dải lụa vắt ngang khoảng trời xanh thơ mộng, còn từ dưới chân đèo đi lên thì lại khiến ai cũng phải hồi hộp khi không biết điều gì chờ đợi mình phía sau những khúc cua ấy. Với tôi, cảm giác vượt qua từng khúc cua vô cùng hấp dẫn. Được thử thách bản thân, sung sướng khi vượt qua nỗi sợ và thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên rực rỡ từ đỉnh đèo tại di tích Hải Vân Quan.
Trên đường quay về Đà Nẵng, tôi dừng lại ở một quán cóc trên đèo, thư thả ngồi nhâm nhi trái dừa tươi mát lạnh, nhắm mắt tận hưởng cảm giác mát mẻ của gió biển. Chốc chốc, không gian yên tĩnh lại xen lẫn tiếng của những đoàn khách nước ngoài ghé qua. Nhưng điều làm tôi chú ý nhất lại là cách cô bán quán nước có khả năng “bắn” đủ thứ tiếng, từ tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc,… Dường như không có đoàn khách nào khiến cô chủ quán phải bối rối khi giao tiếp. Có lẽ, lòng mến khách, cách đon đả đón chào và ngữ điệu dịu dàng ấy đã giúp khu quán của cô tiếng lành đồn xa, được nhiều du khách ưa chuộng như vậy. Lát sau, thấy tôi loay hoay tìm cách chụp ảnh, cô không chần chừ kêu tôi đưa điện thoại để cô bấm máy giúp: “Cô chụp cho bao nhiêu người rồi. Cứ yên tâm, gì cũng được một tấm”.
Sau 7 năm, nơi đây vẫn luôn khiến tôi thấy bình yên khi trở về là vì thế. Người dân địa phương tiếp đón khách du lịch bằng chân tình, cứ như họ cũng được sinh ra ở đó và đã lâu mới quay về. Tôi vẫn hay nói đùa với bạn bè rằng, giá mình có thể tìm được một anh người yêu ở đây, thì cũng xin chấp nhận yêu xa, bay ra bay vào nhiều lần mà không thấy mệt. Vì mỗi khi quay lại Đà Nẵng, tôi đều cảm giác như trở về nhà.
Những điều nhỏ an yên
Nhắc về cột mốc 7 năm trước, tôi nhớ mình đã vơ lấy balo rồi lao ra Đà Nẵng trong sự bức bối, ngột ngạt của những tủi thân đời thường. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời 22 năm, tôi dám đi du lịch xa một mình. Không có kế hoạch chi tiết, hành trang tinh giản, cô gái mới qua độ tuổi đôi mươi đầy háo hức khi đến với nơi được mọi người yêu mến đặt cho cái tên “thành phố đáng sống”.
Tương phùng sau ngần ấy thời gian, tôi vẫn nhớ như in nỗi xúc động khi tận mắt nhìn ngắm cây cầu Rồng uy nghi, dòng sông Hàn lãng mạn,… Bản thân lúc đó như một đứa trẻ, nhìn biển trời lung linh trước mắt mà chỉ muốn ích kỷ thu vội hết vào lòng, chỉ vì lo nhỡ có ai đó mang giấu đi mất. Và điều làm tôi ấn tượng nhất, có lẽ chính là thái độ niềm nở của bất kỳ người nào mình gặp trên đường.
Tôi không bao giờ quên hình ảnh người chú, cũng là chủ khách sạn ở Hải Châu mà tôi hay ghé mỗi khi ra Đà Nẵng. Lần đầu gặp, chú bất ngờ vì biết tôi đi một mình, nhiệt tình giới thiệu hàng loạt điểm đi chơi trong niềm tự hào với mảnh đất này. Chú ân cần dặn dò tôi lên Sơn Trà nhớ cẩn thận vì đường nhiều đất đá, leo đèo Hải Vân phải chú ý quan sát khi qua các khúc cua tay áo, nếu muốn ra Huế thì nhớ mang theo áo mưa. Cả cô bán quán ven đường và những người dân giúp chỉ đường cũng thế, tất cả đều ghi lại trong lòng tôi một cảm giác thân thuộc như người thân trong gia đình. Ấn tượng đầu càng đậm sâu khi lần thứ hai tôi vẫn được Đà Nẵng chào đón nhiệt thành như thế. Mỗi điều bình dị nhỏ bé đã nuôi lớn tình yêu của tôi dành cho mảnh đất này, rồi chẳng biết từ khi nào những ký ức đẹp ấy lại bồi đắp thành một miền yên trong tim.
- Di chuyển: Du khách có thể lựa chọn máy bay, tàu hỏa hoặc xe khách khi muốn di chuyển đến Đà Nẵng. Để tiết kiệm thời gian, máy bay là lựa chọn hợp lý. Các hãng hàng không Việt Nam đều có đường bay đến Đà Nẵng và hay có các chương trình khuyến mãi vé 0 đồng.
- Ăn gì ở Đà Nẵng?
Nếu là người thích ăn ốc như tôi hãy thử ghé qua quán ốc “đĩa bay” nằm sau Cung thể thao Tiên Sơn. Riêng những ai muốn nếm hương vị đặc sản miền Trung thì có thể đến quán mì Quảng Bà Mua, bánh tráng cuốn thịt heo Đại Lộc và đừng quên thử qua bánh xèo hay bún chả cá nhé!
Vài lưu ý nhỏ:
- Thời gian du lịch Đà Nẵng lý tưởng nhất là tháng 4 đến tháng 9
- Luôn mang theo kem chống nắng, nón, áo khoác hoặc một cây dù nhỏ bỏ túi
- Nếu muốn ngắm cầu Rồng phun lửa phun nước, cầu sông Hàn xoay thì nhớ tham khảo lịch hoạt động của cầu trên các kênh thông tin chính thức của thành phố trước khi ghé qua
- Ban quản lý bãi biển Đà Nẵng sẽ phạt tiền đối với du khách vứt rác không đúng nơi quy định
Bài & Ảnh: Haneul
– Theo HAHALOLO – Ấn phẩm Du lịch, Giải trí và Đời sống