Có nên cho trẻ đi học thêm hay không?

Liễu Mộc

Phóng viên

Khi năm học mới đến gần, câu hỏi “Có nên cho con đi học thêm?” lại trở thành chủ đề gây tranh luận sôi nổi trong các gia đình, đặc biệt là với phụ huynh có con đang học cuối cấp.

Có người xem học thêm như “chiếc phao” giúp con củng cố kiến thức, bứt phá điểm số. Nhưng cũng có không ít bậc cha mẹ lo ngại việc học thêm khiến trẻ mệt mỏi, học lệch, giảm thời gian rèn luyện kỹ năng sống và vui chơi.

Vậy, học thêm có thật sự cần thiết? Hay chỉ là một thói quen xã hội đang bị thổi phồng quá mức?

Người cho con học thêm sớm, người để con tự học

Nhiều phụ huynh lựa chọn cho con đi học thêm ngay từ bậc tiểu học, với tâm lý không học thêm sẽ thua thiệt với bạn bè.

Anh Trần Minh Tú (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Tôi không muốn con bị tụt lại, nên cho cháu học thêm Toán, Anh văn từ lớp 3. Ban đầu thấy con mệt, nhưng rồi cũng quen. Đi học thêm giúp cháu vào được lớp chọn”. 

Ở chiều ngược lại, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (Long Biên, Hà Nội) lại có quan điểm khác.

“Tôi để con tự học là chính. Nếu thực sự con yếu phần nào, tôi mới hỗ trợ thêm. Tôi nghĩ quan trọng là con học có mục tiêu, chứ không phải đi học thêm theo phong trào”. 

Còn đối với học sinh, nhiều em cũng có cái nhìn khá rõ ràng. Nguyễn Khánh Quỳnh, thủ khoa lớp 10 tại Hà Nội năm 2025 từng chia sẻ trên truyền thông rằng: “Em không học thêm nhiều, chỉ học khi cần. Điều quan trọng là phải tự học. Em học ba môn mỗi tối, chia nhỏ thời gian để không nhàm chán. Có đêm em học đến 1 giờ sáng, nhưng đều là vì chủ động chứ không bị ép buộc”. 

Một thủ khoa lớp 10 khác là Lữ Trần Quỳnh Lan tại TP.HCM lại từng tự học suốt ba năm trước khi đi học thêm.

“Từ lớp 6 đến lớp 8, em không đi học thêm. Chỉ đến hè lớp 8, em mới học thêm để chuẩn bị thi chuyên. Nhưng em luôn học có kế hoạch, không để nước đến chân mới nhảy”, em Quỳnh Lan chia sẻ. 

Học thêm là nhu cầu của do học sinh
Học thêm là nhu cầu của do học sinh

Học thêm không xấu nhưng phải đúng cách

Trao đổi trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đã đưa ra những nhận định sâu sắc về tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay.

Ông cho rằng, dạy thêm và học thêm là cần thiết nhưng phải được tổ chức một cách hợp lý, tránh tình trạng dạy thêm tràn lan, gây áp lực cho học sinh.

Do nhu cầu thực tế, những học sinh yếu kém cần có người dạy thêm để giúp đỡ, học sinh giỏi muốn phát triển thêm bản thân, muốn bổ trợ thêm để nâng cao kiến thức.. thì phải đáp ứng yêu cầu của người học. Tuy nhiên, do thời gian qua việc quản lý dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, để kéo dài quá lâu dẫn đến tình trạng biến tướng.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay việc dạy thêm, học thêm đang có hai vấn đề lớn:

Thứ nhất, áp lực điểm số và thành tích khiến phụ huynh và học sinh buộc phải chạy đua vào các lớp học thêm. Nhiều cha mẹ mắc bệnh thành tích, so sánh người này với người kia, bắt con mình phải hơn con người khác dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Phụ huynh bắt con học ngày, học đêm, học cả ngày nghỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, sự phát triển của các em học sinh mà trước mắt họ chưa thể nhìn thấy hết được tác hại đó. Học sinh mới chỉ cấp 1, cấp 2 mà học như “chạy marathon”, đến đại học thì lại học thong thả, vui chơi, như vậy là không đúng với quy luật phát triển của con người.

Thứ hai, có hiện tượng một số giáo viên lợi dụng dùng điểm số, kiểm tra để “ép” học sinh đi học thêm, khiến các bậc phụ huynh phải “chạy” theo.

“Tất cả việc dạy thêm, học thêm của học sinh kể cả giỏi hay kém cũng chỉ có giai đoạn nhất định. Sau đó để các em có thời gian bồi đắp lại kiến thức, tự học mới là điều quan trọng chứ không phải dạy thêm, học thêm hết ngày dài cho đến đêm thâu. Như thế làm học sinh ỉ lại, xói mòn đi tư duy độc lập khả năng làm việc của cá nhân các em là rất nguy hiểm”, thầy Lâm nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Tùng Lâm
TS. Nguyễn Tùng Lâm

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, nếu đẩy mạnh dạy thêm trong nhà trường cho các học sinh yếu thì các phụ huynh sẽ càng yên tâm. Do đó, nhà trường nên tổ chức các lớp học bồi dưỡng miễn phí cho học sinh yếu kém, việc dạy thêm nên tập trung vào việc nâng cao kỹ năng học tập, phương pháp học tập hiệu quả thay vì chỉ chú trọng vào điểm số. Điều này sẽ giúp các em phát triển toàn diện hơn và giảm thiểu tình trạng học tủ, học vẹt.

Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc học nên là một quá trình vui vẻ và khám phá. Chúng ta cần tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, nơi mà học sinh được khuyến khích phát triển toàn diện. Để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, dần dần xóa bỏ tình trạng dạy thêm tràn lan.

“Việc học không chỉ là để đạt điểm cao mà còn là để phát triển toàn diện cả về trí tuệ, thể chất và tinh thần. Do đó, phụ huynh phải thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, không nên quá chú trọng vào điểm số và thành tích, so sánh con với con nhà người khác mà hãy tạo điều kiện để con cái mình được học hỏi, khám phá và trải nghiệm”, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất