Có hẹn với mùa cỏ lau Bình Liêu
Trước khi đặt chân đến miền đất này, Bình Liêu trong suy nghĩ của tôi rất mơ hồ qua lời kể của bạn đồng nghiệp, “đến nơi nhớ chinh phục sống lưng khủng long, phải tận mắt chiêm ngưỡng mùa cỏ lau, chạy xe dọc theo đường biên giới, đẹp lắm!”. Chỉ vì hai chữ “đẹp lắm” đầy cám dỗ ấy mà tôi gác lại cái hẹn với Hà Giang để chuyển hướng về cung đường Đông Bắc.
Đừng bỏ cuộc ở cột mốc 1305!
Trải qua gần 12 giờ di chuyển, bay chuyến chiều tối từ Sài Gòn ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội bắt xe khách lên Bình Liêu ngay trong đêm, Hùng – chàng trai địa phương được bạn tôi giới thiệu – đã chờ sẵn ở Quốc lộ 18C đoạn đi qua trung tâm thị trấn để đón tôi về nhà bạn. Đây cũng là homestay mà tôi sẽ ở lại mấy ngày sắp tới. Về tới nơi mệt lả người, tôi vội thiếp đi trong cái không khí se chút lạnh của phố núi.
Ngày đầu tiên, tôi bị đánh thức bởi chiếc loa phát thanh ở trước nhà cùng với tiếng chim hót ríu rít, tiếng gà kêu cục tác. Những thanh âm dễ chịu của miền quê khiến tôi chợt nhận ra hình như đã lâu rồi mình chưa cảm thấy bình yên đến vậy. Khoảnh khắc đó, tôi vẫn chưa “biết đá, biết vàng” của hành trình mà Hùng sẽ dẫn dắt mình trong ngày hôm ấy: Hướng về cột mốc 1305.
Trong ký ức tôi thì đường lên cột mốc 1305 chưa được tráng xi măng tươm tất như bây giờ. Dẫu thiếu vắng những hòn đá, viên sỏi nằm lác đác khắp nơi cũng không giảm độ khó mức “khủng long” như tên gọi mà người mê phượt đặt cho tọa độ này. Vừa qua được một con dốc, đã phải bắt đầu một con dốc khác, liên tục như thế khiến đôi chân dần mất cảm giác. Mệt thôi chưa đủ, hai bên đường còn là vực sâu thăm thẳm. Đoạn, tôi quay sang bảo Hùng rằng mình quá mệt và quá sợ, muốn quay về. Cậu trai lúc này đáp lại tỉnh bơ: “Anh nhìn lại phía sau đi”. Thật kỳ diệu, khung cảnh hùng vĩ bừng sáng trong đôi mắt tôi, dẫu nó luôn ở đó nhưng chỉ khi sắp bỏ cuộc tôi mới sực nhớ lý do mình muốn đến đây. “Hùng! Hùng! Sống lưng khủng long kìa! Phải nó không em?” – Tôi la lớn như muốn cho cả núi rừng Bình Liêu nghe tiếng mình.
Từng sóng núi uốn lượn thoai thoải tạo nên một hình thù đặc biệt như một con khủng long đang khom mình ăn cỏ. Phiên bản vừa sợ vừa mệt cách đó ít phút bỗng trốn đâu mất. Cả hai cùng vào chỗ bóng râm ngồi nghỉ mát, để tôi có thể chầm chậm nhìn bao quát sống lưng khủng long. Xa xa là cung đường tuần tra biên giới, giờ đã nhỏ xíu như một sợi dây ngoằn ngoèo giữa thảm rừng xanh bạt ngàn, uốn quanh ngọn núi dài bất tận. Một chút vui xen lẫn tự hào vì tôi đã cố gắng không bỏ cuộc giữa đường và hơn hết là cảm giác sảng khoái khi được nhìn thấy trọn vẹn quang cảnh hùng vĩ này.
Cột mốc 1297: “Thiên đường cỏ lau”
Rời 1305 cũng đã qua giờ chiều, Hùng dẫn tôi đến cột mốc quan trọng tiếp theo. Suốt những ngày ở Bình Liêu, tôi được Hùng kể vanh vách về những câu chuyện về đất và người nơi đây. Song, có một thứ cậu ấy luôn nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại: mùa cỏ lau. Giữa cơn gió lạnh tháng 10, khi những ngọn lúa chín ngoài đồng chưa được gặt hết, cây hoa sở trắng chớm nở vài bông chính là lúc hàng triệu cây cỏ bông lau đồng loạt vươn mình trỗi dậy trắng cả góc trời của 1297.
Thật kỳ lạ, bởi loài cỏ dại này đâu phải thứ gì quý hiếm, không cần trồng trọt chăm bón, vừa cắt chỗ này đã lan ra chỗ khác. Trùng trùng lớp lớp cỏ lau mọc san sát nhau tạo nên một cảnh tượng đẹp đến nghẹt thở. Với một người chưa từng yêu núi như tôi, đứng trước khung cảnh ấy cũng không tránh khỏi xiêu lòng.
Hoàng hôn buông xuống, nắng chiều từ màu vàng bàng bạc chuyển sang hồng dịu, đỏ thẫm rồi tím ngắt. Cứ mỗi đợt gió thổi qua cánh đồng tạo nên những cơn sóng hoa bồng bềnh đẹp mắt. Cảm tưởng tôi có thể thả mình bay theo gió và lướt trên những ngọn lau mềm mại ấy cả ngày mà không biết chán. Tôi cứ ngồi đấy ngẩn ngơ, văng vẳng bên tai bất giác vang lên lời bài hát: “Ngồi nghe chiều im gió lặng giữa muôn vàn hoa”.
Hùng vĩ và hữu tình
Tôi quyết định ở Bình Liêu thêm vài ngày. Thời gian này Hùng dành toàn thời gian dẫn tôi đi trải nghiệm khắp nơi. Nào là thăm ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín trên bản Cao Thắng, săn tìm hoa Sở trắng nở đầu mùa, chụp ảnh với cầu treo Nà Làng bắc qua sông Tiên Yên, khám phá đập tràn bản Sông Moóc, chạy xe máy vượt đèo Cao Ly – núi Cô Đơn, tham quan trang trại nuôi cá Tầm tự nhiên gần khu vực thác Khe Tiền, đắm mình trong hồ bơi vô cực ở thác Khe Vằn. Tôi còn có cơ hội tìm hiểu đời sống của người dân tộc trong bản, thưởng thức phở xào độc đáo ở chợ phiên Đồng Văn, thử món lẩu lươn sống nguyên con và nếm đặc sản miến dong ở chợ.
Bất cứ nơi nào của Bình Liêu, tôi cũng có thể nhận ra những bộ trang phục bắt mắt, tinh tế cùng nụ cười thân thiện, hồn hậu, toát lên nét đẹp đặc trưng của người dân miền sơn cước. Nếu so sánh Hà Giang là chàng trai núi rừng mạnh mẽ đầy gai góc thì Bình Liêu chính là cô sơn nữ xinh đẹp còn e ấp tuổi xuân thì. Những ngày lang thang ở đây, tôi cảm nhận được sự hiếu khách, thân thiện không chỉ của Hùng hay gia đình cậu ấy mà còn rất nhiều người dân địa phương khác nữa. Cuộc sống của huyện vẫn còn nhiều khốn khó nhưng điều đó không làm cái tình giữa người với người trở nên ít đi.
Chuyến đi này, tôi thấy biết ơn Hùng rất nhiều, khi giúp tôi biết hết được những điều đặc biệt ẩn chứa trong từng ngóc ngách của Bình Liêu. Tôi càng hiểu và yêu mến con người của vùng cao hơn, khi bạn thật lòng muốn đến thăm, dân địa phương sẽ hết lòng để đối đãi. Có lẽ, ngày Bình Liêu trở mình thành vùng du lịch trọng điểm sẽ còn rất xa. Nhưng tôi tin rằng dù có phát triển thế nào, Bình Liêu vẫn giữ được nét mộc mạc, dịu dàng của cảnh vật và con người.
Nhất định một ngày nào đó, khi hoa lau bung nở trên những triền đồi biên giới, tôi sẽ trở lại Bình Liêu.
Bình Liêu là huyện đa dân tộc nhưng lại chung sống với nhau rất hòa thuận, tạo nên một bề dày văn hóa phong phú và đa dạng. Người Tày, người Dao và người Sán Chỉ sống tập trung ở thị trấn và trong các thôn bản. Người Kinh và người Hoa chiếm tỉ lệ rất ít. Đặc biệt, dân tộc Dao phân ra thành hai nhánh: Dao Thanh Phán và Dao Thanh Y.
Hiện tại, cao tốc tuyến Vân Đồn – Móng Cái đã hoàn thành và cho lưu thông xe. Du khách chỉ cần đến Vân Đồn rồi di chuyển bằng xe dịch vụ đến Tiên Yên là ghé thăm được Bình Liêu.
Bài & Ảnh: Lucas Võ
– Theo HAHALOLO – Ấn phẩm Du lịch, Giải trí và Đời sống