Hơn 15 năm, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh đã bền bỉ theo đuổi hành trình nghiên cứu về giới trẻ, với mong muốn hiểu sâu sắc và đồng hành cùng thanh thiếu niên Việt trên con đường phát triển lành mạnh cả về tâm hồn lẫn tư duy.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh (SN 1988) hiện là Chuyên gia tâm lý học thanh thiếu niên, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Thanh niên (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).
Với những đóng góp trong nghiên cứu tâm lý học thanh thiếu niên, anh trở thành một trong những đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI.
Hành trình không theo trào lưu mà theo tiếng gọi từ bên trong
Trước khi bước vào con đường nghiên cứu tâm lý học, chàng trai Nguyễn Tuấn Anh đã sớm ghi dấu với nhiều thành tích nổi bật ngay từ trên giảng đường đại học.
Năm 2006, Nguyễn Tuấn Anh bắt đầu theo học ngành Tâm lý học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, khóa 51.
Trong suốt thời gian học tập, anh liên tục nhận được các học bổng danh giá từ trong và ngoài nước như học bổng Mitsubishi, Pony-Chung, Chung-soo và là Gương mặt trẻ tiêu biểu của trường các năm 2007, 2008, 2009.
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Tuấn Anh tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ vào giai đoạn 2012 – 2014 và hoàn tất chương trình Tiến sĩ vào năm 2018, đều tại Khoa Tâm lý học của ngôi trường anh từng gắn bó từ những ngày đầu. Tại lễ trao bằng Tiến sĩ, anh là nghiên cứu sinh tiêu biểu được vinh dự phát biểu đại diện trước hội trường và được nhận Giấy khen cho thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc.
Ngay từ năm 2011, sau khi tốt nghiệp đại học, anh bắt đầu công tác tại Viện Nghiên cứu Thanh niên, thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Chính nơi đây đã mở ra cánh cửa để anh gắn bó sâu sắc với thanh thiếu niên.
Chia sẻ về lý do lựa chọn ngành tâm lý học, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói:
“Thực ra tại thời điểm tôi lựa chọn ngành Tâm lý học, bản thân tôi chưa thực sự có một định hướng rõ ràng hay lựa chọn theo xu thế đâu, mà lúc đó, tôi chọn ngành này chỉ đơn giản là mình thấy thích nó.
Ngay cả khi đã cầm Giấy trúng tuyển vào ngành Tâm lý của nhà trường, bản thân tôi vẫn còn nhiều băn khoăn và lo lắng lắm, không biết ngành này học cái gì, có khó không, có dễ xin việc không… vì thực sự tại thời điểm cách đây 19-20 năm, ngành Tâm lý học tại Việt Nam còn quá xa lạ với đại bộ phận dân chúng nước ta”.
Một lý do khác khiến anh chọn ngành Tâm lý học là bởi lúc đó, trường đại học có chương trình đào tạo liên kết Pháp ngữ do Tổ chức Đại học Pháp ngữ phụ trách. Anh cho rằng đây sẽ là môi trường thuận lợi để phát huy thế mạnh ngoại ngữ của bản thân.
“Bản thân tôi nghĩ rằng, ngành Tâm lý học sẽ giúp cho tôi hiểu được chính bản thân mình, khám phá thế giới nội tâm của mọi người và đặc biệt là có thể giúp cho con người có ý thức, khả năng xây dựng, điều chỉnh đời sống tinh thần của chính mình sao cho thật tích cực, hạnh phúc.
Tôi nghĩ, tôi đến với ngành Tâm lý học là một cơ duyên lớn, vừa tự nhiên nhưng vừa như đã được sắp đặt”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.
Dành hết tâm huyết và sự nghiệp nghiên cứu đối với thanh thiếu niên
Vì tập trung nghiên cứu chuyên sâu về nhóm người trẻ tuổi, nên phần lớn các công trình của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh đều hướng đến đối tượng thanh thiếu niên, sinh viên và trẻ em.
Những nghiên cứu này khá đa dạng, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của giới trẻ, từ tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống đến định hướng nghề nghiệp, việc làm, học tập cũng như sự tham gia của họ vào các hoạt động chính trị – xã hội, văn hóa và hệ giá trị.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh đã đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm, thư ký đề tài, thành viên chủ chốt trong hàng chục đề tài nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở cũng như các cuộc khảo sát cơ bản.
Nhiều đề tài trong số đó được đánh giá là tiêu biểu, phản ánh sâu sắc các vấn đề của thanh niên trong từng giai đoạn cụ thể.
Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Tâm thế sinh viên trước thị trường lao động (2016), Ý thức trách nhiệm xã hội của thanh niên (2019), Lệch chuẩn xã hội trong thanh niên (2020), Giá trị và hành vi ủng hộ xã hội (2021), hay Tiềm năng phát triển kinh tế số của thanh niên hiện nay (2024). Mỗi đề tài là một lát cắt phản ánh sâu sắc những chuyển động bên trong tâm lý và hành vi của giới trẻ Việt qua từng thời kỳ.
“Bản thân tôi có thể tự hào rằng, đến hiện tại mình đã dành hết tâm huyết và sự nghiệp nghiên cứu đối với thanh thiếu niên và thời gian tới sẽ tiếp tục theo đuổi các nghiên cứu về đối tượng này”, anh Tuấn Anh nói.
Chia sẻ về trăn trở khi nghiên cứu về thanh thiếu niên, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho hay: “Một trong những vấn đề khiến tôi trăn trở nhất là hiện nay, một bộ phận không nhỏ thanh niên đang rơi vào khủng hoảng giá trị. Các bạn không biết điều gì thực sự quan trọng để theo đuổi. Không xác định được mục tiêu, các bạn dễ thay đổi cảm xúc, dễ yêu, dễ ghét, dễ bỏ cuộc và thiếu định hướng trong nghề nghiệp, tình cảm hay cả lối sống”.
Theo Tiến sĩ Tuấn Anh, hệ giá trị tuy là khái niệm trừu tượng lại chính là “la bàn” dẫn dắt hành vi, thái độ sống của mỗi người. Việc giáo dục và định hướng giá trị sống tích cực là điều không thể thiếu đối với thanh niên ngày nay.
Đối với Tiến sĩ Tuấn Anh, hành trình nghiên cứu không chỉ dừng ở các con số hay báo cáo khoa học. Anh luôn cố gắng kết nối nghiên cứu với thực tiễn, đặc biệt là thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội Thanh niên.
Anh cũng nhấn mạnh vai trò đồng hành của gia đình, nhà trường, xã hội, những lực lượng cần thiết giúp thanh niên hình thành hệ giá trị tích cực.
“Thông qua các phong trào thanh niên, các bạn trẻ có cơ hội được thể hiện bản thân, từ đó nhận ra những giá trị sống, mục tiêu và ước mơ của mình. Không ai có thể giúp các bạn trẻ nếu các bạn không chủ động, nhưng các bạn cũng không thể tự mình đi nếu thiếu bàn tay nâng đỡ từ những người xung quanh”, TS. Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Với anh, thanh niên Việt Nam ngày nay rất tài năng, họ không chỉ học giỏi, làm tốt trong nước mà còn khẳng định bản thân ở quốc tế. Điều cần thiết là phải có môi trường để họ kết nối, chia sẻ, cùng nhau giải quyết các vấn đề của đất nước từ ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, đến bạo lực trẻ em hay giao thông.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI diễn ra từ ngày 19 đến 21/7/2025 tại Hà Nội, với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp sức cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Sự kiện do Trung ương Đoàn phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức, nhằm kết nối, phát huy vai trò của trí thức trẻ trong xây dựng đất nước giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập.
Diễn đàn quy tụ hơn 200 đại biểu chính thức là các trí thức trẻ trong và ngoài nước, cùng hơn 300 đại biểu dự thính và khách mời. Nội dung thảo luận xoay quanh 4 chủ đề chính: AI và công nghệ mới, khởi nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi toàn cầu, và phát triển văn hóa – giáo dục trong kỷ nguyên mới.