Bị “friendzone” vẫn cố nuôi hy vọng: Tình yêu bền bỉ hay tự chuốc khổ?

Thiên Di

Phóng viên

Dù biết rõ đối phương chỉ xem mình là bạn, nhiều người vẫn kiên trì theo đuổi, hy vọng một ngày nào đó tình cảm sẽ được hồi đáp.

Khi con tim hy vọng vượt qua cả lý trí

“Friendzone” – thuật ngữ quen thuộc để chỉ tình huống một người yêu đơn phương nhưng chỉ được đối phương xem là bạn bè là một trong những “vùng xám” đau lòng nhất trong các mối quan hệ tình cảm. Với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi teen hay đầu 20s, việc rơi vào vùng friendzone không quá hiếm, nhưng lại rất khó để thoát ra.

Minh Anh (20 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Mình thích cậu bạn thân từ năm lớp 11. Mình luôn là người lắng nghe, an ủi mỗi khi cậu ấy buồn vì tình cảm với người khác. Dù biết rõ không có cơ hội, mình vẫn không dừng lại. Chỉ vì… mình sợ không được ở cạnh cậu ấy nữa”.

Câu chuyện của Minh Anh là một ví dụ rất thường gặp. Nhiều người chấp nhận đứng phía sau với hy vọng tình cảm chân thành sẽ cảm hóa được đối phương. Nhưng giữa hy vọng và thực tế là một khoảng cách không dễ san lấp.

Empty

Kiên trì trong tình yêu: đẹp hay mù quáng?

Tình yêu luôn cần sự kiên trì, nhưng khi sự kiên trì ấy không được đáp lại thì nó có còn ý nghĩa? Việc bị “friendzone” mà vẫn tiếp tục nuôi hy vọng trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương tâm lý: “Bạn sẽ dần đánh mất giá trị bản thân nếu cứ mãi đặt mình vào vị trí thấp hơn trong một mối quan hệ không công bằng”.

Việc duy trì tình cảm trong vùng friendzone khiến nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn: thất vọng vì không được đáp lại, giận hờn vô cớ, ghen tuông mà không có quyền… Những cảm xúc đó dần bào mòn lòng tự trọng, khiến họ sống trong mâu thuẫn giữa hy vọng và nỗi đau.

Khi nào nên dừng lại?

Dừng lại không có nghĩa là từ bỏ tình yêu, mà là lựa chọn yêu thương chính mình trước. Ai cũng xứng đáng có một mối quan hệ lành mạnh, công bằng và được đáp lại.

Empty

Học cách yêu đúng người, đúng cách

Để không tự làm đau mình, bạn trẻ cần học cách nhận diện cảm xúc và giới hạn trong một mối quan hệ. Nếu tình cảm không được đáp lại sau một thời gian đủ dài, hãy tập chấp nhận thực tế thay vì chờ đợi một điều mơ hồ.

Lan Phương (19 tuổi) từng dành 3 năm yêu đơn phương bạn thân, nhưng sau đó quyết định dừng lại: “Mình nhận ra, càng ở cạnh cậu ấy càng đau. Từ khi rời khỏi mối quan hệ đó, mình mới hiểu: tình yêu không nên là cuộc chiến một người”.

Tình yêu bền bỉ là điều đẹp đẽ, nhưng chỉ đẹp khi được đặt đúng người, đúng hoàn cảnh. Nếu bạn đang ở trong vùng “friendzone”, hãy tự hỏi: bạn đang hy vọng vào điều gì, và liệu điều đó có xứng đáng để đánh đổi thời gian, cảm xúc, và lòng tự trọng của chính mình?

Đôi khi, biết dừng lại đúng lúc chính là cách bạn yêu mình trưởng thành nhất.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất