Bắt trend “nấu” bánh chưng, bánh tét bằng giấy đang gây sốt khắp Tiktok

Quách Ngọc

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Những ngày này, TikTok ngập tràn hình ảnh các bạn trẻ Gen Z “đón Tết sớm” bằng cách “nấu” bánh chưng, bánh tét... nhưng là bánh làm từ giấy! Những video đầy sáng tạo và thú vị này nhanh chóng thu hút sự chú ý, trở thành trào lưu được đông đảo cộng đồng hưởng ứng.

Những ngày này, TikTok ngập tràn hình ảnh các bạn trẻ Gen Z “đón Tết sớm” bằng cách “nấu” bánh chưng, bánh tét… nhưng là bánh làm từ giấy! Những video đầy sáng tạo và thú vị này nhanh chóng thu hút sự chú ý, trở thành trào lưu được đông đảo cộng đồng hưởng ứng.

Bánh chưng, bánh tét: Biểu tượng văn hóa ngày Tết

Cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán, bánh chưng và bánh tét luôn là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam. Không chỉ là món ăn truyền thống, chúng còn gói ghém những giá trị văn hóa thiêng liêng, kết nối thế hệ hôm nay với những câu chuyện của ông bà, tổ tiên.

Hình ảnh cả gia đình quây quần bên bếp lửa để nấu bánh chưng, bánh tét không chỉ là một hoạt động, mà còn là biểu tượng của tình thân, của không khí rộn ràng ngày Tết. Có lẽ vì quá mong chờ, nhiều bạn trẻ đã nghĩ ra cách “nấu” bánh chưng ngay tại lớp học. Thay vì gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh, nguyên liệu của các bạn lại là… giấy và bút màu!

Trào lưu “nấu bánh chưng bằng giấy” gây bão

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa như “nấu bánh chưng ở lớp” hay “làm bánh chưng, bánh tét mini”, bạn sẽ thấy hàng loạt video sáng tạo với các “nồi bánh” siêu đáng yêu. Với trí tưởng tượng phong phú, các bạn trẻ đã khéo léo cắt ghép, tô màu, tạo ra những chiếc bánh nhìn y như thật.

Bạn Khả Hân (16 tuổi, Bến Tre) kể:

“Giờ giải lao, em cùng các bạn tranh thủ bắt trend. Chỉ cần vài tờ giấy màu và một chút khéo tay, tụi em đã có một nồi bánh chưng mini siêu xinh. Tuy nhiên, ăn thì không được đâu nha!”

Trend này dễ lắm, ai cũng làm được. Chúng em lên mạng tìm cách gấp, rồi tô màu là xong. Vui nhất là khi đăng video lên, nhận được rất nhiều lời khen từ mọi người”, Hân hào hứng chia sẻ. 

Khánh Vy (14 tuổi, TP. HCM) cũng không bỏ lỡ:

“Em thấy mọi người đăng video làm bánh chưng, bánh tét nhiều lắm nên cũng làm thử. Làm mấy món thủ công này không chỉ vui mà còn giúp mình bớt chơi điện thoại nữa. Làm xong chỉ mong Tết mau tới thôi”, Vy nói trong sự phấn kích. 

Khi sự sáng tạo không có điểm giới hạn

Không dừng lại ở việc gấp bánh, các bạn trẻ còn sáng tạo hơn khi sử dụng hiệu ứng ngọn lửa trên điện thoại và thêm khói từ trầm hương để “nồi bánh” trở nên sống động, chân thật như thật. Không những thế, họ còn khéo léo lồng ghép những bài nhạc Tết quen thuộc như “Tết đong đầy,” “Tết là Tết” hay “Ngày Tết quê em”, khiến không khí Tết ngập tràn trong từng khung hình.

Người trẻ “bắt trend” làm bánh chưng, bánh tét bằng giấy. Nguồn: huongcuagiadinh

Không chỉ thu hút Gen Z, trào lưu này còn khiến người lớn thích thú. Chị Hoàng Linh (27 tuổi) chia sẻ:

“Mình rất thư giãn khi xem những video này. Các bạn trẻ không chỉ sáng tạo mà còn biết cách tôn vinh giá trị truyền thống. Chắc mình cũng phải làm thử”, Linh bày tỏ. 

Khi trend “nấu bánh chưng” là cầu nối văn hóa

Theo TS. Trần Long, Trưởng Bộ môn Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, trong văn hóa phương Đông, Tết gắn liền với ba biểu tượng đặc trưng: cành mai vàng, dưa hấu đỏ và bánh chưng xanh. Những biểu tượng này không chỉ là hình ảnh quen thuộc trong đời sống mà còn là linh hồn của ngày Tết, lưu giữ bao giá trị văn hóa và ký ức dân tộc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại, những biểu tượng truyền thống này đã được con người tái hiện lại dưới nhiều hình thức mới mẻ để phục vụ cho các nhu cầu khác nhau, như trưng bày, trình diễn văn nghệ, hoặc sáng tạo nghệ thuật. Việc tái hiện có thể được thể hiện qua các cách thức độc đáo như gấp giấy, vẽ tranh,… và được gọi chung là nghệ thuật. Dẫu vậy, cần phân biệt rõ giữa tái hiện sáng tạo và việc sao chép thô thiển, thiếu tinh thần tôn trọng truyền thống.

TS Trần Long trân trọng ý thức của người trẻ trong việc tái hiện những giá trị văn hóa dân tộc.

 

“Khi xem video, điều khiến tôi trân trọng là ý thức của người trẻ trong việc tái hiện những giá trị văn hóa dân tộc. Trong tâm hồn của họ, quê hương và những ký ức văn hóa vẫn là nguồn cảm hứng sâu sắc. Dẫu vậy, tôi cũng muốn gửi đến các bạn trẻ một lời nhắn nhủ: tái hiện văn hóa không chỉ là sáng tạo mà còn đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc, để giữ gìn những giá trị nguyên bản. Nếu cách điệu sai lệch, ý nghĩa truyền thống có thể bị biến dạng thành một trò chơi đơn thuần”, TS. Trần Long nói. 

Bên cạnh đó, vai trò của người lớn, đặc biệt là thầy cô và những người có hiểu biết sâu sắc, là rất quan trọng. Họ chính là người định hướng, dẫn dắt giới trẻ để mọi thế hệ cùng chung tay lưu giữ ký ức văn hóa một cách trọn vẹn và đúng nghĩa nhất. Chỉ khi có sự đồng lòng giữa các thế hệ, truyền thống mới thực sự được bảo tồn và phát huy.

Có thể thấy, trào lưu “nấu bánh chưng, bánh tét bằng giấy” không chỉ là một thú vui sáng tạo, mà còn là cách để giới trẻ thể hiện sự trân trọng văn hóa dân tộc. Giữa thời đại công nghệ, những trend tích cực như thế này là cầu nối giúp giữ gìn và lan tỏa giá trị truyền thống, mang Tết đến gần hơn với mọi người.

Bài viết liên quan

Tin mới nhất