Theo bác sĩ Đỗ Nam Khánh, Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, trung bình một người người cao tuổi (trên 60 tuổi) ở Việt Nam mắc 3 – 4 bệnh, đặc biệt những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh.
Tuổi càng cao thì sức khỏe càng yếu dần, càng dễ mắc bệnh và bệnh mạn tính cũng thường hay bị tái phát. Bởi vì trong vô số các chức năng sinh lý của người cao tuổi bị suy giảm thì chức năng đề kháng của cơ thể cũng bị suy giảm, các loại bệnh cũng theo đó mà phát sinh. Một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi gồm:
1. Bệnh tim mạch
Trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp, suy tim, rung nhĩ… chiếm một tỷ lệ đáng kể. Các loại bệnh này thường thấy ở những người béo phì, nghiện bia, rượu chiếm tỷ lệ cao hơn những người không nghiện bia rượu.
Để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, người cao tuổi cần có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, tránh ăn nhiều chất béo. Với những người lớn tuổi nếu bị béo phì cần giảm cân để phòng ngừa các bệnh tim mạch. Người già cần kiêng rượu, bia, thuốc lá… để hạn chế nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động cơ thể để giúp tăng tiêu hao năng lượng, hạ nồng độ cholesterol trong máu, hạ huyết áp. Việc người già vận động thường xuyên sẽ làm tăng sức mạnh của cơ bắp, giúp tim và mạch máu tăng tính đàn hồi tốt và dẻo dai. Người già cần hạn chế và tránh bị căng thẳng, stress. Vì khi bị stress, sẽ khiến nhịp tim tăng và làm tăng huyết áp.
2. Bệnh đường hô hấp
Các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi… là bệnh người cao tuổi dễ mắc, nhất là với những người mắc bệnh mạn tính. Nếu không điều trị đúng, kịp thời bệnh dễ gây ra những biến chứng khó lường.
Do đó, nếu thấy người cao tuổi có các dấu hiệu mắc bệnh lý hô hấp hoặc có biểu hiện cảnh báo nguy cơ mắc suy hô hấp, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa hô hấp để được thăm khám. Tùy vào mức độ nặng – nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Để phòng bệnh đường hô hấp, người cao tuổi cần lưu ý:
- Người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm khi trời chuyển lạnh, tránh gió lùa
- Người cao tuổi cần thường xuyên vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hàng ngày
- Nếu người cao tuổi hút thuốc lá cần bỏ ngay thói quen xấu này. Ngay cả người mắc bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang cũng cần phải tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào.
3. Bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là căn bệnh ngày càng phổ biến ở người cao tuổi. Theo thời gian, bệnh đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với người cao tuổi như bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận, các vấn đề về mắt, tổn thương thần kinh có thể dẫn tới cắt cụt chi, gây tàn phế suốt đời hoặc dẫn đến tử vong.
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, ngoài việc phòng ngừa thì đối với việc điều trị đái tháo đường ở người cao tuổi cần tuân thủ các nguyên tắc: Tránh nguy cơ hạ đường huyết; Tránh nguy cơ tăng đường huyết; Chấp nhận mục tiêu kiểm soát đường huyết tương đối; Chăm sóc các biến chứng đái tháo đường; Kiểm soát huyết áp, Lipid máu đạt mục tiêu; Tránh tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng. Tiết chế và vận động cũng rất có lợi trong kiểm soát đái tháo đường ở người già. Tuy nhiên, cần chú ý bệnh nhân lớn tuổi có thể có nguy cơ thiếu dinh dưỡng làm giảm cân quá nhiều dẫn tới tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.
4. Bệnh cơ xương khớp
Một số bệnh nền, bệnh mạn tính ở người cao tuổi liên quan đến cơ xương khớp phổ biến gồm loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm bao hoạt dịch, đau cơ xơ hóa,…
Người cao tuổi có thể bị đau xương khớp ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể… Những cơn đau triền miên khiến người bệnh trở nên mệt mỏi, mất ngủ, lo âu, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Để chăm sóc xương khớp, người cao tuổi cần lưu ý:
- Tập luyện thể dục hàng ngày hàng ngày với những bài tập phù hợp thể trạng như đi bộ, tập dưỡng sinh, yoga, khí công, thái cực quyền… Tránh mang vác sai tư thế và các động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo, đứng nhiều, lắc tay… Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng để không gây thêm tổn thương cho hệ xương khớp.
- Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dưỡng chất tốt cho xương khớp đặc biệt là tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin D, Omega-3 như: sữa, các loại cá, tôm, cua, bông cải xanh, bắp cải, rau chân vịt… Ngoài ra, người cao tuổi nên hạn chế các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp, nước ngọt, rượu bia, kiêng muối trong chế độ ăn hàng ngày để tránh bệnh loãng xương.
- Có lối sống lành mạnh: Ngủ đúng giờ và đủ giấc, tránh căng thẳng quá mức. Khi trời trở lạnh, người cao tuổi nên mặc đủ ấm, giữ ấm các vùng bị đau nhức và tránh ra ngoài quá nhiều.
- Phòng tránh thừa cân, béo phì: Người cao tuổi nên ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn để giữ mức cân nặng vừa phải, không bị béo phì, giúp giảm đau xương khớp và phòng ngừa các bệnh lý xương khớp khác.
- Không nên lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm vì có thể gây giòn xương, ảnh hưởng đến thận và đường tiêu hóa. Nếu phải dùng thuốc thì cần phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, kê đơn và phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
5. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một căn bệnh phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Bệnh nhân lớn tuổi có xu hướng suy giảm chức năng và sức khỏe, nhận thức, khiến việc áp dụng các phương pháp điều trị COPD trở nên khó khăn hơn.
Các biện pháp phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi:
- Không hút thuốc là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa và thay đổi diễn tiến ở tất cả các giai đoạn của bệnh phồi tắc nghẽn mạn tính, kể cả ở mức độ chưa có triệu chứng hay mức độ rất nặng.
- Hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khí, hóa chất, khói độc hại, bụi.
- Người cao tuổi nên tiêm vắc-xin phòng cúm và phế cầu để tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Người cao tuổi cần tập thể dục đều đặn hàng ngày, tập các bài tập phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp.
6. Suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là một trong những bệnh điển hình nhất mà người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc phải. Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng bị gây ra bởi tổn thương não. Biểu hiện đặc trưng là suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, chú ý, định hướng, ngôn ngữ, trí giác, suy luận, điều hành và khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục. Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ có thể bắt gặp ở nhiều bệnh khác nhau, đặc biệt phổ biến nhất là căn bệnh Alzheimer – bệnh này chiếm 60% đến 80% tổng số các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.
Bệnh sa sút trí tuệ tạo áp lực lớn đến kinh tế cũng như chất lượng sống của người bệnh. Sa sút trí tuệ không phải là bệnh có thể chữa khỏi, mà chỉ điều trị giảm triệu chứng. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, hoặc dùng thuốc và chăm sóc toàn diện có thể làm giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Do đó, khi thấy ông bà, bố mẹ có biểu hiện không bình thường như quên kéo dài, quên có xu hướng tăng lên, rối loạn cảm xúc, hành vi nên đưa đi thăm khám sớm.
7. Rối loạn chức năng hệ tiết niệu
Một bệnh phổ biến khác ở người cao tuổi là rối loạn chức năng hệ tiết niệu dẫn đến những vấn đề khi tiểu tiện như: tiểu không kiểm soát, tiểu đêm, nhiễm trùng tiểu, viêm bể thận,…
Lời khuyên của các bác sĩ dành cho người cao tuổi là cần vệ sinh bộ phận tiết niệu ngoài sạch hàng ngày, nhất là nữ giới để tránh mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Luyện tập cơ thể thường xuyên, đúng động tác, chọn phương pháp phù hợp với từng người là hết sức cần thiết. Những người có điều kiện thì nên chọn cho mình chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn tinh bột ngọt, mỡ động vật, tăng cường ăn rau, trái cây để tránh béo phì và tạo cho việc tiêu hóa tốt.
8. Lo âu, trầm cảm
Rối loạn lo âu, trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã, bi quan, vô vọng, mệt mỏi, khó đưa ra quyết định, thay đổi khẩu vị, mất hứng thú với các hoạt động,… Ở người cao tuổi, rối loạn lo âu, trầm cảm gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, những bệnh mạn tính ở người cao tuổi, nhất là các bệnh đang diễn tiến xấu thường càng khiến người bệnh có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn.
Để phòng ngừa, hãy tạo cho người cao tuổi có môi trường sống thoải mái, vui vẻ, ấm cúng bên con cháu. Hạn chế những cú sốc quá lớn về mặt tâm lý và tránh những lao động quá vất vả để kiếm sống.
Đồng thời, khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động tập thể như câu lạc bộ thơ, tổ hưu trí, tập dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe, đi du lịch… Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia. Thường xuyên tập luyện thể dục và có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và điều độ
9. Bệnh Parkinson
Đây là căn bệnh thường xuất hiện sau tuổi 60 và luôn nằm trong nhóm các bệnh mạn tính ở người cao tuổi làm suy giảm chất lượng cuộc sống khi về già.
Hội chứng parkinson thì có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thoái hóa thần kinh, do nhiễm khuẩn (viêm não), do nhiễm độc (trong đó có một số thuốc an thần kinh…), do chấn thương, do tổn thương mạch máu não (đột quỵ, đái tháo đường, vữa xơ mạch não, tăng huyết áp)…
Ở giai đoạn sớm các triệu chứng của bệnh Parkinson hay gặp có thể là: mệt mỏi, đau cơ, vụng về khi thực hiện các động tác đơn giản (đi tất, đi giầy, tra chìa khóa…), rối loạn chữ viết (chữ viết nhỏ dần), táo bón, trầm cảm, kéo lê một chân hoặc giảm hoạt động một tay khi vận động, bong vảy da ở mặt, gối. Cũng có khi triệu chứng sớm là run khi nghỉ không liên tục, kín đáo. Bệnh Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần.
Lời khuyên cho những người có người thân mắc Parkinson là nên cho bệnh nhân năng đi lại, đi chậm, bước dài chân, tập thở sâu, tắm nắng…; ăn tăng cường dinh dưỡng, các thực phẩm dễ tiêu, giàu vitamin, nhất là vitamin D. Có các biện pháp hạn chế nhiễm trùng hô hấp như giữ ấm đường thở, tăng cường sức đề kháng. Phòng và tránh ngã để hạn chế nguy cơ gãy xương…
10. Rối loạn thị lực
Tốc độ suy giảm thị lực tỉ lệ thuận với tuổi tác. Người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý và vấn đề liên quan đến mắt như: lão thị, tăng nhãn áp, khô mắt, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, đục thủy tinh thể…
Để giảm tình trạng rối loạn thị lực, người cao tuổi cần lưu ý:
- Đi khám mắt định kỳ
- Nhận thức được các yếu tố nguy cơ như béo phì hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh mắt
- Tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại rau có lá màu xanh đậm
- Bỏ hút thuốc
- Tập thể dục thường xuyên
- Đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời
- Đeo kính bảo hộ và kính khi có nguy cơ gây hại cho mắt
- Để mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc liên tục bằng cách nhìn vào một vật ở xa khoảng 6m trong 20 giây
- Vệ sinh cơ bản để tránh nhiễm trùng mắt, chẳng hạn như rửa tay sạch, hạn chế chạm vào mắt.
An An/ Theo Tạp Chí Điện Tử Gia Đình Mới.
https://giadinhmoi.vn/9-benh-thuong-gap-o-nguoi-cao-tuoi-va-cach-phong-tranh-d87069.html