6 di tích quốc gia đặc biệt tại Thanh Hóa

Liễu Mộc

Phóng viên

Thanh Hóa là vùng đất địa linh kiệt có bề dày lịch sử và là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật chất, tinh thần độc đáo. 

Dưới đây là 6 di tích quốc gia đặc biệt mà bạn không thể bỏ qua khi ghé thăm mảnh đất Thanh Hóa.

1. Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012, trước đó đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2011. Đây là tòa thành đá hiếm hoi trên thế giới vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn.

Địa điểm: Xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Khoảng cách: Cách trung tâm TP Thanh Hóa 45km, cách Hà Nội 140km

Thành nhà Hồ khi ấy có tên là thành Tây Đô, được vua Trần Nhân Tông giao cho quyền thần Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397. Hồ Quý Ly cũng chính là người lập ra triều đại nhà Hồ vào năm 1400. 

Thành nhà Hồ là kinh đô cũ của Việt Nam (Ảnh: Đình Minh)

Thành nhà Hồ bắt đầu khởi công vào mùa xuân năm Đinh Sửu. Mục đích của việc xây thành này là để buộc vua Trần Nhân Tông phải dời kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, nhằm lật đổ triều Trần. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô của triều đại mới.

2. Khu di tích lịch sử Lam Kinh 

Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) là nơi gắn liền với anh hùng Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh (1418–1428). Năm 1430, vua Lê Thái Tổ cho xây dựng nơi đây thành Tây Kinh với hệ thống cung điện, lăng tẩm mang đậm dấu ấn triều Hậu Lê.

Địa điểm: Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa

Diện tích: Hơn 200 ha

Lam Kinh được thiết kế theo thế “tọa sơn hướng thủy”, nổi bật với các công trình như cầu Bạch kiểu “thượng gia hạ kiều”, Ngọ môn uy nghi, sân rồng rộng lớn và Vĩnh Lăng – lăng vua Lê Thái Tổ với tượng đá, bia cổ nguyên khối.
Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật quý (đồ gốm, đồ đồng thế kỷ XV–XVI) cùng những truyền thuyết lịch sử hấp dẫn. Lam Kinh không chỉ là di tích quan trọng mà còn là điểm du lịch văn hóa thu hút du khách khắp cả nước.

Khu  di tích lịch sử Lam Kinh, Ảnh: Công Đạt

3. Khu di tích Bà Triệu

Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa thuộc khu di tích lịch sử Bà Triệu, ngôi đền được lập dưới thời vua Lý Nam Đế nhằm tưởng nhớ đến công ơn của vị nữ anh hùng bất khuất Triệu Thị Trinh.

Địa điểm: Huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa

Đền Bà Triệu là một di tích lịch sử nổi tiếng, gần với nhiều địa điểm du lịch Thanh Hóa như: động Tiên Sơn, cầu Hàm Rồng, thành nhà Hồ… Ngôi đền linh thiêng trải qua thời gian đã nhuốm màu phong sương, cổ kính, tuy nhiên, đây vẫn là điểm dừng chân lý tưởng để chiêm bái, vãn cảnh và khám phá kiến trúc độc đáo.

Đền thờ Bà Triệu nhìn từ trên cao (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật, các kho tàng sự tích, ca dao, huyền thoại và cả những hiện vật hiếm có. 

4. Hang Con Moong

Hang Con Moong (Thạch Thành, Thanh Hóa) là di tích khảo cổ quan trọng được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2016. Phát hiện năm 1974, hang này cùng các hang phụ cận (Lai, Diêm, Mang Chiêng…) đã cung cấp bằng chứng về sự phát triển liên tục của cư dân tiền sử từ 60.000 năm trước, qua các giai đoạn văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình đến Đa Bút.

Địa điểm: Huyện Thạch Thành, Thanh Hóa

Đặc điểm: Hang đá vôi niên đại hơn 240 triệu năm, chứa nhiều dấu tích tiến hóa của con người

  • Địa tầng dày 9.5m với 10 lớp văn hóa, lưu giữ công cụ đá, xương động vật, mộ táng và dấu tích bếp lửa
  • Minh chứng cho quá trình chuyển đổi từ săn bắt hái lượm sang nông nghiệp sơ khai
  • Được các nhà khảo cổ Việt – Nga đánh giá là một trong những di chỉ được bảo tồn tốt nhất Đông Nam Á

Năm 2016, hang Con Moong được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trao bằng công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt (Báo Công an nhân dân)

5. Đền thờ Lê Hoàn

Đền thờ Lê Hoàn nằm ở cuối làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Di tích lịch sử này được coi là ngôi đền cổ nhất ở Thanh Hoá, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tháng 12/2018.

Nghinh môn đền Lê Hoàn thiết kế ba gian, mái ngói rêu phong, cổ kính. (Ảnh: Sưu tầm)

Đền Lê Hoàn có kiến trúc kiểu chữ Công gồm ba toà liền kề nhau là tiền đường, trung đường và hậu cung theo kiểu đền thờ truyền thống của người Việt Mường cổ, hệ vì kèo đặc trưng gồm giá chiêng, chồng rường, con nhị, theo lối dầm đỡ chống nóc, tạo liên kết vững chắc cho ngôi đền cùng những bức chạm thủng, chạm nổi, thể hiện tư duy thẩm mỹ cao của người xưa.

Đền Lê Hoàn lưu giữ nhiều cổ vật niên đại cả nghìn năm như đôi đũa thử độc làm bằng hợp kim màu bạc. Kế bên là ba chiếc chén bạc được cho là của nhà vua và sử dụng cùng đôi đũa.

6. Di tích lịch sử và danh thắng cảnh Sầm Sơn 

Biển Sầm Sơn không chỉ là danh lam thắng cảnh mà còn gắn với nhiều dấu tích lịch sử, mang vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ.

Năm 2019, Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh Sầm Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn là địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử – văn hóa. Nơi đây có sự đa dạng về sinh học, gồm: núi Trường Lệ, Đền Độc Cước, Hòn Trống Mái, Đền Tô Hiến Thành, Đền Cô Tiên… Đây là những điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn của Sầm Sơn.

Con đường trên đỉnh núi Trường Lệ (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố Sầm Sơn hiện có 35 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh cùng nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội đền Độc Cước, Lễ hội bánh Chưng bánh Dày, Lễ hội Cầu ngư, Lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái…

 

Bài viết liên quan

Tin mới nhất